Sức khỏe

45% học sinh lớp 5 nhiều trường nội thành thừa cân, béo phì

Thu Trang 20/10/2023 14:02

Khảo sát ở học sinh lớp 5 tại một số quận, huyện của thành phố Hà Nội được tiến hành năm 2023 cho thấy, tình trạng báo động khi số trẻ thừa cân, béo phì của nhiều trường trong khu vực nội thành trên mức 45%.

Ngày 20-10, tại hội thảo phát triển năng lực hệ thống trong công tác dinh dưỡng học đường tại Việt Nam, PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, dù cải thiện được tình trạng suy dinh dưỡng đáng kể song Việt Nam lại đang đối mặt với “gánh nặng kép” thừa cân, béo phì.

Một nghiên cứu mới đây của Viện Dinh dưỡng phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai tại nhiều trường mầm non cho thấy, số trẻ thừa cân, béo phì gia tăng. Thậm chí, có những trường có tới gần 30% trẻ béo phì.

toanh-canh-hoi-thao-ngay-20-10.jpg
Quang cảnh hội thảo.

Khảo sát ở học sinh lớp 5 tại một số quận, huyện của thành phố Hà Nội được tiến hành năm 2023 cũng chỉ ra, tình trạng báo động khi số trẻ thừa cân, béo phì của nhiều trường trong khu vực nội thành trên mức 45%, cụ thể: Trường Tiểu học Dịch vọng B, quận Cầu Giấy (45,5%); Trường Tiểu học Lê Lợi, quận Hà Đông (49,5%); Trường Tiểu học La Thành, quận Đống Đa (55,7%); Trường Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm (51,4%); Trường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng (46,5%)…

Ở các trường thuộc khu vực ngoại thành, con số này cũng trên 20%, cụ thể: Trường Tiểu học Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn (20,9%); Trường Tiểu học Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (26,8%); Trường Tiểu học Quang Trung, huyện Phú Xuyên (31,1%); Trường Tiểu học Bình Yên, huyện Thạch Thất (24,1%)…

bieu-do-thua-can-beo-phi.jpg
Tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì và hậu quả .

Nguyên nhân của tình trạng này, theo PGS.TS Bùi Thị Nhung, là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thừa năng lượng, thiếu vi chất. Tâm lý muốn con bụ bẫm là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị thừa cân, béo phì. Bên cạnh đó, trẻ thiếu hoạt động thể lực, sử dụng thực phẩm nhiều đường cũng dẫn đến thừa cân, béo phì.

Một khảo sát được tiến hành trên 600 bà mẹ ở Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng cho thấy, khi con có tình trạng dinh dưỡng bình thường thì đa phần các bà mẹ nghĩ rằng, con bị thiếu dinh dưỡng. Chỉ 20% bà mẹ có con bị béo phì nhận ra con mình có tình trạng này.

PGS.TS Bùi Thị Nhung nhấn mạnh, thừa cân, béo phì dẫn tới nhiều hệ quả nghiêm trọng. Khi xét nghiệm 500 trẻ béo phì, có từ 35-50% trẻ bị rối loạn mỡ máu. Hiện nay, đái tháo đường cũng không còn là bệnh của người lớn mà đang bị trẻ hóa.

Cũng theo PGS.TS Bùi Thị Nhung, nhiều năm qua, việc thực hiện bữa ăn mầm non được chú ý, giáo viên được đào tạo, tổ chức tốt hơn, có các phần mềm xây dựng thực đơn. Tuy nhiên, ở khối tiểu học trở lên còn gặp nhiều khó khăn. Trước đây, bản chất của các nhà trường chỉ có chức năng dạy học. Tuy nhiên, do nhu cầu của phụ huynh, học sinh nên các trường cung cấp thêm dịch vụ ăn bán trú. Vì vậy, nhiều trường chưa có đầy đủ cơ sở vật chất, tiếp nhận các bữa ăn từ các công ty cung ứng thực phẩm… Đây cũng là nguyên nhân khiến một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Bên cạnh đó, các cán bộ phụ trách bán trú của nhiều trường chưa được đào tạo dinh dưỡng, căng tin còn bán thực phẩm chưa lành mạnh…

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, PGS.TS Bùi Thị Nhung cho rằng, cần xây dựng mô hình điểm các bữa ăn học đường đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện, kinh tế địa phương, kết hợp với các hoạt động thể chất. Mong rằng, trong tương lai, mỗi một trường học, một công ty thực phẩm, một tỉnh, thành… đều có ít nhất 1 cử nhân về dinh dưỡng làm việc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
45% học sinh lớp 5 nhiều trường nội thành thừa cân, béo phì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.