(HNM) - Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 2892/QĐ-BYT về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì. Theo đó, Bộ Y tế đánh giá, bệnh béo phì là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề trầm trọng đến sức khỏe, là thủ phạm gây hơn 200 bệnh khác nhau như: Tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ và nhiều bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa...
Béo phì được xác định là một bệnh mạn tính. Người bệnh cần được theo dõi và tái khám thường xuyên để ngăn ngừa tăng cân trở lại và để theo dõi nguy cơ bệnh tật cũng như có phương án điều trị các bệnh cùng mắc nếu xuất hiện (như đái tháo đường týp 2, bệnh tim mạch).
Một thống kê tại Việt Nam trong năm 2021 cho thấy, gần 20% người thừa cân, béo phì trên cả nước sống ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Điều đáng nói, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường (5-19 tuổi) tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% vào năm 2020, trong đó khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%... Trong hướng dẫn trên, Bộ Y tế đưa ra 3 cách chẩn đoán béo phì dựa vào chỉ số khối cơ thể, vòng bụng và phương pháp hấp thụ năng lượng kép. Người được coi là bị béo phì khi vòng bụng ≥ 90cm ở nam và ≥ 80cm ở nữ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.