(HNM) - Ngày 25-11, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo khởi động Dự án Tư vấn chính sách cho phát triển kinh tế gắn với chống chịu biến đổi khí hậu, giai đoạn 2019-2022. Dự án có sự hỗ trợ của Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức.
Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng phụ trách CIEM, biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu là thách thức lớn đối với Chính phủ, các ngành và địa phương, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đòi hỏi phải có sự chủ động phòng, chống...
Tiến sĩ Michael Krakowski, Tư vấn trưởng của Tổ chức Hợp tác phát triển Cộng hòa liên bang Đức (GIZ) cho biết, Đức rất quan tâm đến các chương trình nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, đặc biệt là việc ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng ngừa rủi ro đối với cuộc sống của người dân; sẵn sàng hỗ trợ xây dựng năng lực và chính sách; nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế, xác lập phương pháp tiếp cận và kế hoạch hành động...
Theo nghiên cứu sơ bộ của các chuyên gia, nếu nhiệt độ nước biển tăng 3 độ C trong một thế kỷ tới thì mực nước biển tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ dâng cao từ 55 đến 75cm, khiến 40% diện tích khu vực này bị ngập nước. Dự báo năm 2030, nước biển dâng làm cho 45% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và cuộc sống của người dân...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.