(HNM) - Trung tâm điều dưỡng người có công số II Hà Nội (xã Giang Biên, Hà Đông) thành lập năm 1992 với nhiệm vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong quá trình hoạt động, trung tâm luôn thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn chế độ nhà nước quy định, công khai tài chính, kiểm tra sức khỏe, lập và quản lý bệnh án, chăm sóc việc ăn, nghỉ, luyện tập phục hồi chức năng, hướng dẫn phòng, tránh một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi... Ông Nguyễn Thành Đô, sinh năm 1960, thương binh 1/4, mất 91% sức khỏe cho biết: "Sống ở trung tâm, tôi luôn được chăm sóc tận tình, chu đáo của tất cả cán bộ từ giám đốc đến nhân viên. Ở đây, tôi cảm thấy rất hài lòng".
Chăm sóc người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số II Hà Nội. Ảnh: Viết Thành |
Hiện thành phố có 5 trung tâm điều dưỡng người có công với khả năng tiếp nhận từ 18.000 đến 18.500/người/năm, trong đó 4 trung tâm thực hiện nhiệm vụ điều dưỡng luân phiên, riêng Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số II (xã Viên An, huyện Ứng Hòa) thực hiện hai nhiệm vụ: Nuôi dưỡng và điều dưỡng luân phiên. Các trung tâm có gần 300 phòng ở khép kín với các trang thiết bị mới, hiện đại (ti vi, bình nóng lạnh...), có hội trường, thư viện, khu thể dục thể thao trong nhà và ngoài trời, khu phục hồi chức năng... Đội ngũ cán bộ, nhân viên là 220 người, trong đó 66 người trình độ cao đẳng, đại học, 89 người có trình độ trung cấp, 100% được đào tạo tập huấn nghiệp vụ về công tác điều dưỡng, chăm sóc người có công.
Ông Lê Toàn Khang, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, thực hiện chính sách ưu đãi người có công, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", năm 1993 thành phố Hà Nội giao cho Sở và Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công Hà Nội tiếp nhận 58 đối tượng về thí điểm điều dưỡng luân phiên. Sau đợt thí điểm này, căn cứ vào chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và sự chỉ đạo của thành phố, các trung tâm đã xây dựng kế hoạch, quy trình tổ chức thực hiện công tác điều dưỡng luân phiên người có công bám sát tình hình thực tế, đặc điểm của từng quận, huyện nội, ngoại thành. Mỗi đợt điều dưỡng luôn xen kẽ giữa các quận, huyện để bảo đảm số lượng đối tượng đi điều dưỡng tập trung và tạo môi trường giao lưu cho các đối tượng. Công tác điều dưỡng của các trung tâm được người có công đánh giá cao, không chỉ giúp họ nâng cao sức khỏe, được giao lưu mà còn tạo điều kiện để họ hiểu biết thêm tình hình chính trị, xã hội, kinh tế của thành phố, đất nước và quốc tế. Thông qua công tác điều dưỡng đã tạo thêm lòng tin của người có công với chủ trương, đường lối của Đảng, chế độ ưu việt của Nhà nước ta được thể hiện và thể chế hóa qua chính sách điều dưỡng.
Cùng với việc hỗ trợ các trung tâm điều dưỡng xây dựng, mở rộng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên, đáp ứng công tác điều dưỡng luân phiên, thành phố Hà Nội đã nhiều lần điều chỉnh việc thực hiện thời gian điều dưỡng nhằm ưu đãi và chăm sóc người có công tốt hơn. Năm 2008, thành phố quy định thời gian điều dưỡng luân phiên cho đối tượng điều dưỡng từ 5 năm/1 lần giảm xuống còn 3 năm/1 lần. Bốn năm sau, thành phố ban hành Quyết định 6154/QĐ-UBND quy định thời gian điều dưỡng luân phiên là 2 năm/1 lần đã tạo điều kiện để người có công tuổi cao sức yếu có nhiều cơ hội thụ hưởng chính sách ưu đãi của thành phố. Kinh phí được cấp từ ngân sách thành phố, mỗi năm hơn 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngoài kinh phí của trung ương, thành phố còn trích ngân sách hỗ trợ các trung tâm tiền điện nước, xăng dầu đưa đón đối tượng điều dưỡng mức từ 50.000đồng/ trường hợp đến 120.000 đồng/ trường hợp.
Trong 20 năm (1993-2013), toàn thành phố có gần 300.000 lượt người có công với cách mạng được điều dưỡng luân phiên, trong đó điều dưỡng tại trung tâm là hơn 140.000 lượt người, điều dưỡng tại gia đình gần 160.000 lượt người. Hằng năm, thành phố còn tổ chức cho từ 2.000 đến 5.000 lượt đối tượng đi điều dưỡng tại các cơ sở ngoài thành phố. Đây là sự quan tâm, ưu ái đặc biệt của thành phố đối với đội ngũ người có công với cách mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.