(HNM) - Ngày 20-11-1989, Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em chính thức được thông qua và đến nay đã có 196 quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên. Là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước vào ngày 20-2-1990, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các quyền của trẻ em, nhằm hướng tới tương lai tốt đẹp của trẻ.
Để bạn đọc rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam.
- Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em gồm 54 điều, khoản với nội dung xuyên suốt là yêu cầu các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho tất cả trẻ em được chăm sóc, bảo vệ, lớn lên trong môi trường an toàn, tham gia vào các hoạt động xã hội… Trong 30 năm qua, các quyền của trẻ em đã được nước ta thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Việc phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em là cam kết chính trị mạnh mẽ của nước ta về bảo đảm cho trẻ em có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Điều này được thể hiện nhất quán trong Hiến pháp, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định đầy đủ các quyền dân sự, chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế của trẻ em, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em và chuẩn mực quốc tế khác về quyền con người, quyền trẻ em.
Trong nhiều năm qua, mặc dù kinh tế - xã hội còn khó khăn, nước ta vẫn luôn dành cho trẻ em sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Nhờ đó, đến nay Việt Nam có 95% trẻ em nhập học đúng độ tuổi, đạt mốc phổ cập tiểu học; gần 99% trẻ em dưới một tuổi được tiêm chủng đầy đủ; gần 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhận được sự trợ giúp kịp thời. Đại đa số trẻ em được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, được tham gia các diễn đàn về trẻ em để nói lên tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bản thân. So với giai đoạn đầu thực hiện Công ước, tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm 75%; trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi giảm 50%...
- Không thể phủ nhận những kết quả đạt được, song thực tế cho thấy, một bộ phận trẻ em ở nước ta vẫn phải sống trong điều kiện thiếu thốn và chưa thực sự an toàn?
- Đúng vậy! Thống kê từ các địa phương cho thấy, hiện cả nước còn khoảng 5,5 triệu trẻ em nghèo đa chiều, nghĩa là các em chưa được thực hiện ít nhất 2 trong các quyền cơ bản về giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nhà ở, hòa nhập xã hội, nước sạch và vệ sinh; còn gần 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi; hơn 1,7 triệu trẻ phải tham gia lao động…
Đáng lo hơn là tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em diễn biến ngày càng phức tạp với khoảng 2.000 trường hợp được phát hiện mỗi năm, trong đó đa số là xâm hại tình dục. Địa điểm trẻ em bị xâm hại thường ở môi trường được cho là an toàn đối với trẻ; nhiều đối tượng có hành vi xâm hại là người thân, quen…
Trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển, mạng xã hội trở nên phổ biến, trẻ em Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển trí tuệ, mở rộng giao tiếp, nhưng cũng làm gia tăng những nguy cơ thiếu an toàn đối với trẻ…
- Trước những nguy cơ, thách thức hiện hữu, theo ông, các bên liên quan cần làm gì để trẻ em được thụ hưởng các quyền chính đáng, có môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển toàn diện?
- Tôi cho rằng, tất cả các bên liên quan cần biến cam kết thành hành động mạnh mẽ hơn. Trước hết, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số quy định cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, như: Xem xét nâng độ tuổi trẻ em từ đủ 16 tuổi lên 18 tuổi; đưa ra quy định rõ ràng hơn để bảo vệ trẻ khỏi mọi hình thức xâm hại…
Cùng với đó, các ngành, địa phương cần bổ sung nguồn lực cho việc bảo đảm quyền của trẻ em; chủ động đưa ra giải pháp bảo vệ trẻ em trước hiểm họa thiên tai, biến đổi khí hậu. Hệ thống dịch vụ trợ giúp trẻ em cần được hoàn thiện, nâng cấp từ khâu phòng ngừa, can thiệp sớm tại cấp cơ sở, đến các dịch vụ chuyển gửi và bảo vệ trẻ em chuyên biệt… Mỗi gia đình cần quan tâm xây dựng văn hóa, chủ động trang bị cho trẻ kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại. Các trường học cần chú trọng trang bị cho giáo viên kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, xử lý những hành vi có nguy cơ dẫn đến bạo lực, xâm hại ở học đường…
Với vai trò quản lý nhà nước về công tác trẻ em, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng, phổ biến rộng rãi tài liệu tập huấn về quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi. Dịp kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam và các đối tác tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quyền trẻ em, với chủ đề: “Thắp sáng nụ cười, thắp sáng ước mơ cho mỗi trẻ em toàn thế giới”.
Với sự nỗ lực, cộng đồng trách nhiệm từ nhiều phía, các quyền của trẻ em sẽ được thực thi ngày càng tốt hơn; không có trẻ nào bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.