Trong năm 2014, cả nước nhập khẩu về hơn 26.000 tấn thịt trâu từ Ấn Độ và một số nước khác. Tuy nhiên, người tiêu dùng hầu như không thấy bóng dáng của loại thịt trâu nhập khẩu này được bán trên thị trường.
Tại buổi toạ đàm trực tuyến: “Chống hang giả: cần sự vào cuộc của nhiều ngành”, ông Nguyễn Văn Cẩn - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, chỉ tính riêng 2014, Việt Nam nhập khẩu 26.000 tấn thịt trâu từ Ấn Độ và các nước khác trên thế giới.
Lực lượng quản lý thị trưởng kiểm tra lô hàng thịt trâu nhập khẩu của một công ty. |
“Thịt trâu nhập khẩu là 26.000 tấn nhưng trên thị trường, trong các siêu thị, bếp ăn hay chợ, báo chí và lực lượng thị trường đã phát hiện được bao nhiêu người bán thịt trâu nhập khẩu?”, ông Cẩn đặt câu hỏi.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Đại Nghĩa- Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, vụ việc “nhập thịt trâu mà không bán thịt trâu trên thị trường” đã được Bộ Công thương chỉ đạo hệ thống quản lý thị trường vào cuộc và điều tra.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng khẳng định, việc nhập khẩu thịt trâu và kinh doanh thịt trâu không có gì sai mà vấn đề nằm ở khâu tiêu thụ sản phẩm.
“Hàng năm trong nước có nhập khẩu thịt trâu và việc người bán bán thịt trâu hay người tiêu dùng mua thịt trâu không có gì là sai cả. Toàn bộ số thịt trâu nhập về đều đầy đủ thủ tục thông quan, được cấp phép kinh doanh. Còn về việc thị trường không có bán thịt trâu, chúng tôi có tiến hành khảo sát nhưng không thấy có phản ánh gì của người tiêu dùng về việc mua phải thịt trâu giả làm thịt bò”, ông Hải nói.
Vị này cũng cho rằng, đối với công tác chống hàng giả, kênh thông tin là rất quan trọng. Do đó, cần có sự tuyên truyền, phát hiện và răn đe cảnh báo để người dân nhận thức được vấn đề.
Trước đó, trong năm 2014, cơ quan quản lý thị trường phát hiện được một số vụ "thịt trâu hô biến thành thịt bò". Đơn cử có thể kể tới như vào tháng 12/2014, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội lần theo một chiếc xe chở thịt trâu từ chợ Đồng Xuân (Hà Nội) trên đường đi tiêu thụ. Khi dừng xe kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường phát hiện 3 thùng thịt trâu, mỗi thùng 20 kg đúng loại thịt trâu nhập khẩu từ Ấn Độ. Tuy nhiên, những thùng thịt trâu này bị xé hết nhãn mác, xuất xứ. Toàn bộ số hàng không có hóa đơn.
Theo một lãnh đạo của Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thì trong trường hợp này, khi có khách gọi thịt bò, các đơn vị cung cấp đã bóc xé nhãn thịt trâu để bán giá thịt bò.
Trước đó, tại kho bảo quản lạnh của Khu công nghiệp Quang Minh, Đội quản lý thị trường phát hiện một lượng lớn thịt trâu dán nhãn bò. Ông Nguyễn Thế Hưng, Phó giám đốc xí nghiệp Bắc Hà cho hay, công ty nhập thịt trâu từ Công ty Tân Đại Dương (Hà Nội) và Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ Thiên Bút. Sau đó, công ty về phân phối lại cho khoảng 20 bếp ăn tập thể, các công ty dịch vụ khác. Lý giải, việc thịt trâu dán nhãn bò, ông Hưng cho rằng, do nhân viên dán nhầm nhãn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.