(HNMO) - Chiều 9-6, theo tin từ Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hiện có hơn 6.000 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị ở 107 cơ sở y tế trên cả nước.
Trong số này, hơn 50% có biểu hiện lâm sàng nhẹ, 97 ca tiên lượng nặng, 125 ca nặng phải thở oxy, 43 ca nặng phải thở máy không xâm nhập; 26 ca nguy kịch phải thở máy xâm nhập và 11 ca nguy kịch phải chạy ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).
Trong 11 ca phải chạy ECMO có 1 ca đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh), 3 ca tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, 1 ca tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, 2 ca tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang, 4 ca tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2.
Cũng theo Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong số các bệnh nhân nặng và nguy kịch, có 3 ca tiên lượng tử vong, trong đó có 2 ca ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh và 1 ca ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2.
Đề cập đến tình hình điều trị bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, đợt dịch lần này với số lượng bệnh nhân rất lớn tạo ra sức ép lớn với hệ thống điều trị. Chủng vi rút lần này, phát hiện lần đầu ở Ấn Độ, có diễn biến lâm sàng nhanh hơn trước. Phản ứng viêm quá mức cũng cao hơn những lần trước. Chính vì vậy, các biện pháp kỹ thuật để can thiệp cũng phải nhiều hơn. Đây là gánh nặng lớn với hệ thống hồi sức cấp cứu.
Ở nhiều nước trên thế giới đang áp dụng chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại nhà. Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho rằng, với những nước có lượng bệnh nhân lớn, dịch đã lưu hành rộng trong cộng đồng thì sẽ áp dụng chiến lược điều trị tại nhà, nếu nặng mới đến bệnh viện. Thế nhưng, may mắn tại Việt Nam đang kiểm soát được dịch ngoài cộng đồng, số lượng bệnh nhân chưa vượt quá khả năng điều trị nên chúng ta ưu tiên chiến lược điều trị tất cả bệnh nhân tại bệnh viện.
"Với những bệnh nhân Covid-19, đa phần tuần đầu có biểu hiện nhẹ và một số có biểu hiện nặng ở tuần thứ hai. Nếu áp dụng giống như nước ngoài, những trường hợp nhẹ, diễn biến nhẹ điều trị ở nhà thì có thể dẫn tới nguy cơ lây nhiễm cho những người trong gia đình. Trong khi đó, mô hình gia đình của Việt Nam phổ biến có từ 3-4 thế hệ cùng chung sống, có người già, trẻ nhỏ, người có bệnh nền. Nếu để người bệnh điều trị tại nhà, lây nhiễm rất nguy hiểm. Hơn nữa, việc điều trị tại nhà cũng khó để phát hiện sự thay đổi bệnh lý sớm. Nếu để bệnh nhân diễn biến nặng mới vào viện thì khả năng điều trị thấp hơn", bác sĩ Nguyễn Trung Cấp lưu ý.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.