(HNMO)- Sau 3 năm triển khai dự án, gần 106.000 hộ nghèo đã được xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Trong đó, 58 xã tăng tỷ lệ bao phủ nhà tiêu hợp vệ sinh hơn 30%.
Tổng kết 3 năm thực hiện dự án CHOBA |
Sáng 10/12, tại Hà Nội, Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ (ĐTHN) đã phối hợp cùng TƯ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá 3 năm thực hiện dự án Cải thiện vệ sinh cộng đồng dựa trên kết quả đầu ra (CHOBA).
Dự án CHOBA được thực hiện nhằm mục đích giúp người dân nghèo ở các vùng nông thôn tiếp cận với điều kiện vệ sinh tốt hơn và thúc đẩy việc thay đổi hành vi vệ sinh.
Dự án CHOBA được thực hiện trên 500 xã thuộc 10 tỉnh: Ninh Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Tiền Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Hòa Bình và Sóc Trăng trong thời gian từ 2012 - 2015.
Dự án được thiết kế song song với Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn III, nhằm hỗ trợ các khu vực khó khăn đạt được mục tiêu và kế hoạch đề ra.
Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, dự án mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng, giúp người nghèo tiếp cận điều kiện vệ sinh tốt hơn. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện dự án, năng lực của địa phương cũng được nâng cao như nhận thức về vệ sinh môi trường, kỹ năng quản lý dự án, kỹ năng tuyên truyền, vận động, và kỹ năng công nghệ thông tin.
Kết quả quan trọng dự án đạt được là làm thay đổi thói quen vệ sinh ở những gia đình, góp phần cải thiện điều kiện sống, sức khỏe của các thành viên trong gia đình, tạo lập sự tự tin trong cuộc sống của các gia đình nghèo, đặc biệt là phụ nữ nghèo.
Dự án CHOBA bao gồm 4 hợp phần được thực hiện lồng ghép nhằm hỗ trợ người nghèo làm nhà tiêu hợp vệ sinh và đạt được mục tiêu cải thiện vệ sinh cộng đồng. Dự án đã giúp thành lập mạng lưới hỗ trợ cộng đồng tại địa phương, khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia, hỗ trợ người dân tiếp cận tài chính (vốn vay), thưởng cho các hộ hoàn thành nhà tiêu hợp vệ sinh và các xã có tỷ lệ tăng độ bao phủ lên đến 30% trong thời gian dự án hoặc đạt tới 95%.
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đã chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi những bài học mang lại thành công cho dự án. Đó chính là sự chủ động vào cuộc của chính quyền địa phương, quy chế dân chủ ở cấp cơ sở, sự minh bạch công khai trong quản lý tài chính, công tác xã hội hóa được quan tâm, hệ thống giám sát và đánh giá dự án khoa học, phương pháp thực hiện sáng tạo và đội ngũ tuyên truyền viên, cán bộ dự án tận tâm vì công việc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.