(HNMO) - Sự kiện Bộ Nội vụ đưa nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) vào hoạt động ngày 30-10 vừa qua đã đánh dấu một bước tiến đáng ghi nhận khi 100% cơ quan Bộ đã có nền tảng LGSP này, sẵn sàng cho chính phủ điện tử và hướng tới xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Thông tin trên vừa được Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) thông báo đến cơ quan báo chí sáng nay, 11-11.
Như vậy, việc các bộ, địa phương sớm hoàn thành LGSP, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã bảo đảm một số mục tiêu cụ thể.
Một là, việc 100% các bộ có LGSP và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia sẽ góp phần cơ bản cho việc phá bỏ các "ốc đảo" dữ liệu của các bộ, ngành, thay vào đó là tạo lập nền tảng sẵn sàng cho việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu thông suốt từ trung ương đến địa phương. Qua đó giúp Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước sớm đi vào thực tiễn.
Hai là, việc Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai LGSP as a Service (như một dịch vụ) còn thể hiện cách nghĩ, cách làm mới đó là đối với các hệ thống mới, các bộ, địa phương chưa hiểu thì cần một hình mẫu. Việc được "dùng thử" LGSP do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp sẽ giúp cho các bộ, địa phương có hiểu biết rõ hơn về vai trò, lợi ích, chức năng, tính năng của LGSP. Từ đó, các bộ, địa phương sẽ đặt ra bài toán chính xác hơn khi tiến hành đầu tư, thuê dịch vụ cho LGSP của mình.
Ba là, việc Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai LGSP as a Service còn thể hiện tư duy, cách tiếp cận từ cung cấp cái đang có, chỉ làm vai trò ra văn bản hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp báo cáo... sang tư duy phục vụ, chủ động, đột phá, đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, chủ động tháo gỡ vướng mắc trong triển khai.
Cũng theo Cục Tin học hóa, LGSP do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp không thay thế cho LGSP của các bộ, địa phương mà chỉ là giải pháp hỗ trợ, phục vụ kết nối, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ trung ương đến địa phương hiện đã sẵn sàng thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Ngoài Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông còn triển khai LGSP as a Service cho 6 bộ khác (Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Y tế) và 12 địa phương (Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Phước, Đắk Lắk, Hà Nội, Hậu Giang, Khánh Hòa, Lai Châu, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc).
Đến nay, việc triển khai các nền tảng tích hợp, dữ liệu trên quy mô toàn quốc đã có những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể đã có 61 tỉnh, thành phố, 21 bộ kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, tăng gần gấp đôi so với đầu năm (chỉ có 40 bộ, tỉnh, thành phố). Tổng số giao dịch (từ đầu năm đến ngày 29-10-2020) thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đạt 4,2 triệu giao dịch (năm 2019 là 2,3 triệu), mỗi ngày khoảng 14.000 giao dịch, giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp, công chức, viên chức. Đã xử lý 1.200.417 hồ sơ liên thông khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, đã giúp người dân, công chức, hộ tịch, tư pháp, bảo hiểm xã hội không phải thực hiện 2 thủ tục là khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế, nhập dữ liệu trên hai phần mềm khác nhau.
Các bộ, ngành, địa phương triển khai tích hợp, chia sẻ dữ liệu hiệu quả nhất thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (tính theo số lượng giao dịch đã thực thiện) là: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Nam Định, Hà Tĩnh, Bắc Ninh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.