Theo dõi Báo Hànộimới trên

10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu về bản quyền tác giả năm 2011

Tuyết Minh| 31/12/2011 00:21

(HNMO)- Sáng 30/12, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH&TT&DL) đã chính thức giới thiệu Nghị định số 85/2011/NÐ-CP về Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan. Nhân dịp này, Cục BQTG cũng đã công bố 10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu về bản quyền tác giả Việt Nam năm 2011.


(HNMO)- Sáng 30/12, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH&TT&DL) đã chính thức giới thiệu Nghị định số 85/2011/NÐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2006/NÐ-CP ngày 21/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan. Nhân dịp này, Cục BQTG cũng đã công bố 10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu về bản quyền tác giả Việt Nam năm 2011.

Theo đó, Nghị định sửa đổi các quy định về thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm, thù lao, quyền lợi vật chất do các bên sử dụng bản ghi âm, ghi hình trả cho các nhà sản xuất, sử dụng chương trình phát sóng trả cho tổ chức phát sóng…Bổ sung quyền tác giả đối với các chương trình máy tính; Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian.

Đặc biệt, quyền sao chép tác phẩm theo Luật sở hữu trí tuệ là một trong các quyền tài sản độc quyền thuộc quyền tác giả, do chủ sở hữu thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra bản sao tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử.

Cũng theo Nghị định 85/2011/NÐ-CP, sửa đổi về thời hạn bảo hộ quyền tài sản và quyền nhân thân, theo Luật sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm di cảo là 50 năm, đối với các tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng là 50 năm kể từ ngày công bố lần đầu tiên. Thời hạn bảo hộ đối với các tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết (tức là 100 năm).

Nghị định cũng quy định về chuyển nhượng quyền và nguyên tắc và phương thức thanh toán tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất. Nếu sửa đổi, cắt xén, bổ sung chương trình phát sóng của tổ chức phát sóng khác để tái phát sóng hoặc truyền trên mạng viễn thông, thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác phải có sự thỏa thuận với chủ sở hữu chương trình phát sóng.

Nghị định cũng nêu ra về thủ tục đăng ký, hồ sơ pháp lý quyền tác giả, quyền liên quan đều có thể đăng ký trực tiếp tại văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại thành phố đó, ngoài ra hồ sơ hoàn toàn có thể gửi qua đường bưu điện.

Cũng trong buổi họp báo, Cục Bản quyền tác giả đã công bố danh sách
10 sự kiện, vấn đề tiêu biểu về bản quyền tác giả trong năm 2011 gốm:

1. Nghị định số 85/2011/NÐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 10-11-2011;
2. Tăng cường các hoạt động bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính.
3. Hoàn thành xuất bản bộ truyện tranh năm tập về bản quyền phát hành miễn phí cho học sinh từ lớp 3 trở lên.
4. Website Quyền tác giả Việt Nam được nâng cấp.
5. Các hoạt động hợp tác quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan diễn ra sâu rộng.
6. Tập huấn quốc tế về thực thi quản lý quyền tác giả và quyền liên quan của các tổ chức quản lý tập thể.
7. Tổ chức, bộ máy Cục Bản quyền tác giả từng bước được tăng cường, hoàn thiện.
8. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đạt mức thu hơn 40 tỷ đồng tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc;
9. Tình trạng vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản vẫn diễn ra nghiêm trọng.
10. Việc vi phạm quyền tác giả trên internet và môi trường kỹ thuật số vẫn còn là thách thức. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu về bản quyền tác giả năm 2011

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.