(HNMO) - Ngày 18-11, thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, 10 tháng năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đạt 37,9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 17,2% so với cùng kỳ; xuất khẩu sang 66 quốc gia, vùng lãnh thổ với 47-50 mặt hàng khác nhau, trong đó, Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 42%, tiếp đến là Trung Quốc 11%, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng chiếm 9%...
Quần áo may mặc các loại vẫn là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, tới 29,1 tỷ USD. Xuất khẩu vải cũng đạt 2,13 tỷ USD, xơ sợi đạt 4,083 tỷ USD, phụ liệu may 1,165 tỷ USD, vải địa 747 triệu USD.
Về thị trường nội địa, 10 tháng, doanh thu của ngành đạt 4,8 tỷ USD, mục tiêu cả năm là 5,8-6 tỷ USD. Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã góp sức đáng kể cho các doanh nghiệp phát triển thị trường trong nước. Nếu như năm 2021, tỷ lệ doanh nghiệp dệt may bán hàng qua thương mại điện tử chỉ 7-8%, năm nay đã tăng lên 18-20%.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kết quả này là nỗ lực rất lớn của ngành dệt may Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thị trường tiêu dùng thế giới chững mạnh trong quý IV-2022.
“Có nhiều yếu tố giúp ngành dệt may Việt Nam vượt qua thách thức và đạt kết quả khả quan. Đầu tiên là tác động từ quá trình mở cửa của đất nước với các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực là nền tảng cho doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường. Cùng với đó, quá trình chuyển đổi sản phẩm, thúc đẩy quản trị số, bắt nhịp kinh tế tuần hoàn, người lao động có tay nghề tốt, ổn định và tuân thủ luật chơi với các nhà nhập khẩu cũng là yếu tố giúp dệt may Việt Nam vượt khó thành công”, ông Vũ Đức Giang nói thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.