(HNMO) - Bộ Tài chính vừa công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài chính năm 2022.
Sự kiện đầu tiên là chủ động đề xuất nhiều chính sách mới, chưa có tiền lệ hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Để kịp thời ứng phó với các tác động do dịch bệnh, đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất và triển khai thực hiện ngay Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 do Quốc hội ban hành, với hàng loạt các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ.
Trong đó, các chính sách tài khóa là chủ yếu, chiếm khoảng 83% tổng giá trị chương trình. Các chính sách thuế trong chương trình đã hỗ trợ cụ thể, như: Giảm 2% thuế giá trị gia tăng với số tiền hỗ trợ khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất quy mô 135 nghìn tỷ đồng…
Ngoài các chính sách ưu đãi thuế, tài khóa thuộc chương trình này, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách, như giảm lệ phí trước bạ; giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng để thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí…
Dự kiến thực hiện các giải pháp trên sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân với tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí, tiền thuê đất được miễn giảm, gia hạn năm 2022 khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng, trong đó, số tiền gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm khoảng 98,5 nghìn tỷ đồng. Tính đến ngày 15-12-2022, đã thực hiện miễn giảm, giãn khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng. Đây là số tiền giãn, giảm thuế, phí, lệ phí lớn nhất trong lịch sử ngành Tài chính.
Sự kiện tiếp theo là nhiều nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước hoàn thành sớm trước thời hạn. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, Bộ Tài chính đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ về tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) đề ra.
Đến ngày 15-12-2022, thu NSNN năm 2022 đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% so với dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội. Chi NSNN đảm bảo các nhiệm vụ trong dự toán và chi cho phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân, chi cho an sinh xã hội, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ và các nhiệm vụ cấp bách khác. Nhờ phấn đấu tăng thu, đã có nguồn để chi cho các khoản trong dự toán và nhiệm vụ cấp bách phát sinh.
Ngoài ra, ngành Tài chính còn nhiều sự kiện đáng chú ý khác như: Liên tục dẫn đầu về chuyển đổi số; hoàn thành trước 2 tháng việc phủ sóng hóa đơn điện tử trên toàn quốc; chiến lược tài chính đến năm 2030 tạo nền tảng xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại, hội nhập; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, giám sát, kịp thời chấn chỉnh thị trường chứng khoán phát triển minh bạch; Việt Nam tăng xếp hạng về công khai minh bạch ngân sách và tín nhiệm quốc gia; Việt Nam là một trong số ít những quốc gia kiểm soát lạm phát hiệu quả; ngành hải quan nỗ lực tạo thuận lợi thương mại, kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục mới 700 tỷ USD; Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), tạo nền tảng phát triển bền vững thị trường bảo hiểm Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.