Theo dõi Báo Hànộimới trên

10 cá nhân dự kiến đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2015

HNM| 11/09/2015 07:25

LTS: Thực hiện quy trình xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" và "Anh hùng Lao động" năm 2014 của TP Hà Nội, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố đã thông qua danh sách đề nghị các cấp xét, tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2015 cho 10 cá nhân. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc danh sách và tóm tắt thành tích của 10 cá nhân.

1. Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hoan - Sinh năm 1937

Nguyên là giảng viên Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Hà Nội; Phó Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Hà Nội; Chủ tịch Hội các ngành sinh học Hà Nội. Hiện ông là Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội. Ngoài ra ông còn kiêm nhiệm công tác là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố không chuyên trách. Đồng thời tại nơi cư trú, từ năm 2001 ông tham gia 3 khóa Đảng ủy, là Đảng ủy viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường kiêm Trưởng ban Tuyên giáo, Trưởng ban Dân vận phường.

Quá trình công tác, ông đã chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực. Đặc biệt năm 1965, ông đã đề xuất biện pháp phòng trừ bệnh mốc sương, đã cứu hàng trăm héc ta cà chua và khoai tây của các xã ngoại thành Hà Nội, biện pháp này hiện nay vẫn được áp dụng có hiệu quả. Ông là chủ nhiệm đề tài điều tra cơ bản nguồn gien sinh vật của Hà Nội; Chủ nhiệm nhánh dự án quy hoạch tổng thể Đồng bằng sông Hồng của thành phố Hà Nội; Chủ nhiệm chương trình rau sạch thành phố Hà Nội, trên cơ sở này để thành phố xây dựng quy hoạch vùng sản xuất rau sạch. Ông đã nghiên cứu và đề xuất biện pháp sử dụng công nghệ vi sinh vật kết hợp khói bồ kết, áp dụng có hiệu quả trong việc xử lý dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn Hà Nội. Ông là người trực tiếp chỉ đạo xử lý môi trường hồ Thiền Quang, hồ Thanh Nhàn 2. Ông cũng đã đề xuất nhiều biện pháp tuyên truyền phổ biến kiến thức về khoa học và công nghệ, trong đó có việc xuất bản Tạp chí Trí thức và Phát triển có nội dung và chất lượng tốt, xuất bản và phát hành trong toàn quốc; tờ báo điện tử Diễn đàn Trí thức Thủ đô luôn cải tiến với nội dung phong phú, trong hơn 3 năm qua đã có gần 7 triệu người truy cập. Tuy tuổi đã cao, ông vẫn tâm huyết và tích cực tham gia công tác, phát huy trí tuệ cống hiến cho sự nghiệp khoa học công nghệ của Thủ đô và đất nước.

Với những đóng góp trên, cá nhân ông 5 lần được UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu CSTĐ; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen năm 2007; 6 lần được UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen; Thành ủy tặng Bằng khen năm 2015; 4 lần được Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tặng Bằng khen. Được nhiều bộ, ngành trung ương tặng huy chương, kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển ngành. Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2012.

2. NSND Chu Thúy Quỳnh - Sinh năm 1941

Nguyên là Giám đốc chỉ đạo nghệ thuật Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; Đại biểu Quốc hội các khóa 4, 8, 9, 10; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội; Tổng Thư ký Hội nghệ sĩ múa Việt Nam khóa II và III. Từ năm 1995 đến nay, bà là Chủ tịch Hội nghệ sĩ múa Việt Nam. Ngoài ra bà còn là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ (thành phố Hà Nội).

Bà cùng tập thể các nghệ sĩ luôn năng động sáng tạo, mở nhiều trại sáng tác, các lớp tập huấn chuyên môn, hội nghị, hội thảo mang tính lý luận phê bình, những cuộc thi, góp phần quảng bá và tuyên truyền nghệ thuật múa. Bên cạnh đó, bà luôn tìm tòi - học tập để sáng tạo những công trình nghệ thuật lớn mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Làm tổng đạo diễn và đồng tổng đạo diễn nhiều chương trình lớn phục vụ các ngày đại lễ của đất nước và thành phố như: Lễ hội 990 năm Thăng Long - Hà Nội; Lễ khai mạc và bế mạc Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games 22 (tại Hà Nội); Chào mừng Hội nghị cấp cao 7 của các nước nói tiếng Pháp; Chào mừng Hội nghị cấp cao 6 của các nước ASEAN; Chào mừng Hội nghị APEC (tại Hà Nội); Chương trình lễ hội Du lịch quốc tế Hà Nội (từ năm 2000 đến năm 2006). Năm 2010, bà là thành viên Hội đồng nghệ thuật Hà Nội, thành viên của Hội đồng cố vấn nghệ thuật trong chương trình Đại lễ hội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tổng đạo diễn chương trình múa Cổ đêm 4-10-2010 "Thăng Long mở hội - Tìm lại dấu xưa"…

Với những đóng góp trên, cá nhân bà nhiều năm liền là CSTĐ ngành Văn hóa, 3 lần được tặng danh hiệu CSTĐ toàn quốc; 2 lần được tặng Huy hiệu của Hồ Chủ tịch; 4 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1983, Nghệ sĩ Nhân dân năm 1987, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1998; Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội đã có thành tích đóng góp cho các hoạt động Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội…

3. TS. NGƯT Nguyễn Tùng Lâm - Sinh năm 1943

Nguyên là Hiệu phó Trường cấp 3 Cao Bá Quát - Hà Nội; Chủ tịch Công đoàn ngành GD&ĐT Hà Nội. Hiện nay ông giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục học Hà Nội, Đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Trên 50 năm gắn bó với ngành Giáo dục, ông đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả đối với sự nghiệp GD&ĐT của Thủ đô. Đặc biệt, năm 1989 ông là người sáng lập Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, ngôi trường đã là điểm đến của trên 8.000 học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cá nhân yếu kém về học tập và rèn luyện đạo đức. Trải qua 26 năm, THPT Đinh Tiên Hoàng đã trở thành hình mẫu về phương pháp giáo dục tiên tiến của các trường trên địa bàn Hà Nội và của nhiều địa phương trong cả nước. Năm 2013, trường được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen đơn vị đạt danh hiệu "Nhân tố thời đại Hồ Chí Minh". Năm 2014, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Đan Mạch đã đến thăm, tìm hiểu mô hình trường, hỗ trợ và hợp tác giáo dục. Và trong 5 năm gần đây, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT luôn đạt từ trên 95%, tỷ lệ học sinh vào đại học, cao đẳng, trung cấp hằng năm trung bình trên 75%. Cá nhân ông đã có nhiều sáng kiến được Bộ GD&ĐT, Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam nhân rộng ra trong toàn quốc như sáng kiến "Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm", "Cô giáo tài năng duyên dáng", "Cô giáo, người mẹ hiền" và cuộc thi "Cô giáo tài năng duyên dáng". Ông là Chủ nhiệm nhiều đề tài như: "Thử nghiệm tư vấn giáo dục và hướng nghiệp cho học sinh THPT Hà Nội", "Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng giáo dục phường, xã trên địa bàn Hà Nội", "Giáo dục giá trị sống cho học sinh tiểu học ở Hà Nội hiện nay"… Các sáng kiến kinh nghiệm về quản lý nhà trường và phương pháp giáo dục học sinh yếu kém đã được Bộ GD&ĐT mời làm báo cáo viên cho cán bộ quản lý các trường THPT tại hội nghị của 3 miền vào năm 2012 và chuẩn bị triển khai, nhân rộng mô hình tham vấn Tâm lý học đường cho tất cả các trường THPT toàn quốc. Những việc làm trên của ông đã và đang góp phần ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của ngành Giáo dục Thủ đô.

Với những đóng góp trên, cá nhân ông 2 lần được UBND thành phố tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt", Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo năm 1997, Nhà quản lý giỏi năm 2006. Được Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học Công nghệ, Liên hiệp các hội Khoa học Việt Nam, Hội Khoa học tâm lý Giáo dục Việt Nam… tặng Kỷ niệm chương. Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2001 và danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2010.

4. GS. TS Nguyễn Anh Trí - Sinh năm 1957

Trên 30 năm công tác trong ngành Y tế, hiện ông là Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu trung ương, Chủ tịch Hội rối loạn đông máu Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng tư vấn truyền máu quốc gia, Chủ tịch Hội Huyết học, truyền máu thành phố Hà Nội.

Là giáo sư đầu ngành về chuyên khoa Huyết học - Truyền máu trong cả nước, ông đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới để chẩn đoán và điều trị máu. Đặc biệt là áp dụng thành công điều trị bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh ưa chảy máu, kỹ thuật ghép tế bào gốc điều trị các bệnh máu hiểm nghèo (đây là kỹ thuật rất tiên tiến của Mỹ), nhờ vậy có thể điều trị được cho các bệnh nhân bị các bệnh lý huyết học ác tính hiểm nghèo, thậm chí là ở giai đoạn cuối. Năm 2012, ông đã cùng tập thể bác sĩ của Viện đã cứu sống thành công 1 bệnh nhân bị ung thư máu giai đoạn cuối, đã được giới chuyên môn đánh giá cao và được bầu chọn là một trong 10 sự kiện khoa học công nghệ tiêu biểu của Việt Nam trong năm. Ông là người khởi xướng, tổ chức thực hiện, phối hợp với các đơn vị triển khai thành công nhiều sự kiện, hoạt động có ý nghĩa sâu, rộng, hiệu quả trong phong trào hiến máu nhân đạo tại Hà Nội và các tỉnh trong toàn quốc như: "Mỗi giọt máu - Một tấm lòng", "Trái tim nhân ái", "Giọt máu nghĩa tình", "Hành trình đỏ"... Các hoạt động đã làm thay đổi nhận thức của đông đảo quần chúng nhân dân về quan niệm "Hiến máu cứu người - Một nghĩa cử cao đẹp" từ đó tham mưu Bộ Y tế, BCĐ Vận động hiến máu nhân đạo quốc gia, thành phố Hà Nội tổ chức thành công "Lễ hội Xuân hồng" lần đầu tiên vào năm 2008. Đây là lễ hội độc đáo nhất của lòng nhân ái mà trước đó chưa hề có, đã được BCĐ vận động hiến máu quốc gia phát động trong cả nước, đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành tổ chức định kỳ "Lễ hội Xuân hồng", qua đó tiếp nhận được lượng máu rất lớn, kịp thời phục vụ cho các bệnh viện để cứu chữa bệnh nhân, đem lại niềm hạnh phúc cho bệnh nhân, gia đình và cả xã hội. Ông đã trực tiếp tham gia hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, học viên của Hà Nội bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, cao học... chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học. Một số đề tài thúc đẩy phong trào hiến máu tại Hà Nội như: Nghiên cứu triển khai và đánh giá mô hình tổ chức khu phố hiến máu tại Hà Nội, Nghiên cứu và triển khai đánh giá mô hình tổ chức hiến máu tình nguyện tại 3 khu Công nghiệp ở Hà Nội …

Với những đóng góp trên, ông đã được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2012. Hai lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Nhiều năm liền được Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen. Liên tục từ năm 2004 - 2014 đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; 3 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ (năm 2006, 2009, 2014).

5. Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung - Sinh năm 1955

Nguyên là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Chuyên gia dạy nghề tại nước Cộng hòa Cuba. Hiện ông là Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn, Giám đốc Trung tâm dạy nghề tư thục mây tre đan Phú Vinh.

Mặc dù là người khuyết tật nhưng với nghị lực, ông đã vượt lên số phận, tự học tập, nghiên cứu tạo ra nhiều mẫu sản phẩm trang trí nội thất và đồ gia dụng. Sản phẩm của ông đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, được bạn hàng các nước ưa chuộng. Năm 1983, ông được cử sang Cuba giúp nước bạn giảng dạy về thủ công mỹ nghệ. Sau khi từ Cuba trở về nước, năm 1987 ông trở lại làm việc tại HTX Mây tre đan Phú Vinh. Ngoài việc sáng tác và sản xuất các mẫu hàng mới, ông tích cực tham gia công tác dạy nghề cho các xã thuộc huyện Chương Mỹ, đã dạy nghề cho 290 lao động thành nghề. Khi chuyển đổi cơ chế thị trường, ông đã thành lập Tổ hợp tác mỹ nghệ đan mây Phú Vinh. Đến năm 2005 phát triển thành Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn, công ty có từ 100 đến 130 công nhân (trong đó có 35% công nhân là người khuyết tật) làm việc thường xuyên. Ông thường xuyên tổ chức dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật. Từ khi thành lập đến nay, đã mở 22 lớp dạy nghề miễn phí cho hơn 600 người khuyết tật trên các tỉnh, thành, trong đó có 320 lao động là người Hà Nội, sau khi học xong 65% học viên có việc làm và thu nhập ổn định. Năm 2007, ông đã thành lập Trung tâm Dạy nghề tư thục mây tre đan Phú Vinh, từ khi thành lập đến nay, trung tâm đã đào tạo miễn phí cho trên 4.300 lao động ở Hà Nội và các tỉnh khác. Ông đã trực tiếp biên soạn Giáo trình nghề mây tre đan và được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt, phục vụ việc dạy nghề trong cả nước.

Với thành tích trên, 5 lần ông được UBND thành phố tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" tiêu biểu, 3 lần được tặng Bằng khen. Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam tặng Bằng khen năm 2010. Đạt danh hiệu Nghệ nhân Hà Tây năm 2006. Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng Nghệ nhân làng nghề năm 2005. Năm 2003, công ty được Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm và Chủ tịch nước Trần Đức Lương về thăm và được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mời gặp mặt, động viên và tặng quà lưu niệm ngày 20-11-2014.

6. Ông Trần Trọng Dực - Sinh năm 1957

Nguyên là Trưởng Công an huyện Thanh Trì, Trưởng Công an quận Hoàng Mai, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì, Chánh Thanh tra thành phố. Hiện ông là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, đại biểu HĐND thành phố khóa XIII.

Trên 30 năm công tác, từ cán bộ cơ sở đến lãnh đạo chủ chốt của thành phố, dù ở cương vị nào, ông cũng luôn gương mẫu, thể hiện là tấm gương của người cán bộ tận tụy với nhân dân, Thủ đô và đất nước. Trên cương vị công tác là Trưởng Công an huyện Thanh Trì, Trưởng Công an quận Hoàng Mai, ông cùng tập thể Ban Chỉ huy thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đơn vị luôn được Công an thành phố đánh giá cao, là lá cờ đầu của khối Công an các quận, huyện của thành phố. Trên cương vị là Bí thư Huyện ủy Thanh Trì, ông đã cùng tập thể lãnh đạo huyện lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng củng cố tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể. Trên cương vị Chánh Thanh tra thành phố, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy, ông luôn chủ động tham mưu Thường trực Thành ủy - UBND thành phố xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát, có trọng tâm trọng điểm. Do đó, công tác thanh tra và kiểm tra, giám sát đảng thời gian qua của thành phố đã thu được nhiều kết quả tốt. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đã phát hiện đảng viên vi phạm đồng thời việc xem xét kỷ luật rõ ràng, xử lý kịp thời, đúng quy trình, bảo đảm nguyên tắc, nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của cán bộ, đảng viên. Quá trình là đại biểu HĐND thành phố, ông luôn lắng nghe ý kiến của cử tri để phản ánh tại kỳ họp, đồng thời tham gia ý kiến, phát biểu tại các kỳ họp có chất lượng, đóng góp tích cực vào kết quả các kỳ họp HĐND thành phố.

Với những đóng góp trên, ông đã nhiều lần được Thành ủy - UBND thành phố tặng Bằng khen về hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm.

7. Ông Vũ Văn Tiền - Sinh năm 1959

Nguyên là cán bộ công tác tại Tổng công ty Vật tư nông nghiệp; năm 1993 ông đã cùng một số cán bộ có tâm huyết thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tổng hợp GELEXIMCO (đây là một trong ba công ty tư nhân đầu tiên được Chính phủ cho phép kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp); Ngoài cương vị là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc, ông còn giữ các chức vụ Ủy viên Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam (khóa V - VI), Chủ tịch CLB Doanh nghiệp trẻ Sao đỏ, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội khóa I - II.

Là người giữ cương vị cao nhất trong công ty, ông đã dành trọn tâm huyết cho doanh nghiệp của mình, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đưa công ty ngày càng phát triển. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm sau đều cao hơn năm trước, doanh thu năm 2010 là 1.437 tỷ đồng, đến năm 2014 là 2.294 tỷ đồng; nộp ngân sách năm 2010 là 121 tỷ đồng, đến năm 2014 là 186 tỷ đồng; tạo công ăn việc làm cho trên 6.400 lao động (trong đó lao động là người Hà Nội là trên 1.100 người) với thu nhập bình quân người lao động tại Hà Nội năm 2010 là 7,1 triệu đồng/người/tháng, năm 2014 là 13,07 triệu đồng/người/tháng. Với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", cá nhân ông cùng công ty đã ủng hộ, đóng góp cho công tác tu tạo di tích lịch sử văn hóa tại Thủ đô Hà Nội trên 100 tỷ đồng: Xây dựng chùa Non Nước, Sóc Sơn; đóng góp kinh phí tu sửa chùa Phúc Khánh, chùa Nam Đồng quận Đống Đa; Xây dựng, tôn tạo Công viên văn hóa Đống Đa - Di tích Gò Đống Đa, với mục tiêu nâng cấp thành quần thể kiến trúc lịch sử văn hóa, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, tín ngưỡng của nhân dân, đồng thời nâng cao giá trị lịch sử một địa danh gắn liền với chiến thắng hào hùng của dân tộc trong lịch sử chống giặc ngoại xâm.

Với những đóng góp trên, ông đã vinh dự được tặng thưởng nhiều phần thưởng như: Danh hiệu Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô năm 2006; Danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2008; Danh hiệu “Nhà doanh nghiệp giỏi Hà Nội” năm 2008; Bằng khen của Bộ GD&ĐT năm 2011; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng năm 2012; Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội năm 2010, 2011, 2012, 2013; Giải thưởng Sao đỏ; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2008.

8. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm - Sinh năm 1957

Hiện bà là Chủ cơ sở dệt lụa tơ tằm Triệu Văn Mão (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông); Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Hà Nội, thành viên BCH Hiệp hội thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội, Ủy viên Ủy ban MTTQ quận Hà Đông, Ủy viên Ủy ban MTTQ phường Vạn Phúc, đại biểu HĐND phường Vạn Phúc nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Trong những năm qua, bà luôn nỗ lực, không ngừng học hỏi, vận dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất những sản phẩm Lụa vân vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Cơ sở dệt do bà làm chủ luôn tích cực, đi đầu trong việc tham gia các hoạt động quảng bá sản phẩm của cơ sở cũng như địa phương như tham gia cuộc thi, hội chợ giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội, Huế, Quảng Ninh… và một số nước như Pháp, Đức, Singapore, Trung Quốc... Những sản phẩm của bà được đánh giá cao, đã đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước như sản phẩm Lụa vân nghìn năm Thăng Long - Hà Nội được thành phố Hà Nội lựa chọn làm quà tặng cho các đoàn khách quốc tế đến tham dự đại lễ. Năm 2011, sản phẩm lụa: "Vân lưỡng long" đã được UBND thành phố Hà Nội chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Năm 2012, 2013 sản phẩm Lụa vân lưỡng long song hạc, lưỡng long song thọ, vân triện thọ, vân thọ đỉnh đã được Bộ NN&PTNT, UBND thành phố chọn là sản phẩm tiêu biểu. Năm 2000, bà đã phục chế thành công 18 bộ triều phục cung đình Huế, góp phần bảo tồn, gìn giữ được những giá trị văn hóa của đất nước. Cơ sở dệt của bà hằng năm tiếp đón các đoàn đại biểu các cấp, các ngành từ trung ương, thành phố và các tỉnh, thành bạn đến tham quan học tập, tiếp đón hàng nghìn lượt khách nước ngoài, các đoàn đại biểu cấp cao của các nước đến tham quan làng nghề truyền thống như: đoàn đại biểu cấp cao các nước ASEAN, đoàn đại biểu cấp cao ĐCS Trung Quốc, đoàn Liên minh Nghị viện thế giới IPU 132… Thông qua các hình thức hoạt động phong phú như phối hợp với Phòng Kinh tế quận mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao tay nghề cho đội ngũ thợ trẻ, lớp học sáng tạo mẫu, lớp về kỹ năng giao tiếp bán hàng… đã giúp đỡ các hộ gia đình trong phường. Từ năm 2010 đến năm 2014, cơ sở dệt của bà đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chứng nhận là cửa hàng mua sắm phục vụ khách du lịch hàng đầu Việt Nam. Với những việc làm trên, cá nhân bà đã có những đóng góp không nhỏ vào việc phát triển làng nghề ở địa phương cũng như giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Năm 2006, bà đã đoạt giải "Ngôi sao Việt Nam" tại Huế; 2 lần nhận giải "Bông hồng vàng Thủ đô" lần thứ I, II (năm 2008, 2010). Năm 2010 được UBND thành phố tặng Bằng khen. Năm 2013, UBND thành phố tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, Hội Phụ nữ thành phố Hà Nội tặng Giấy khen vì đã có thành tích đóng góp cho phong trào phụ nữ Thủ đô.

9. Ông Triệu Tiến Ích - Sinh năm 1953

Phát huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, sau khi nghỉ chế độ, ông tham gia công tác sản xuất và kinh doanh tại địa phương. Hiện ông là Chủ tịch Hội Sản xuất và kinh doanh nhãn chín muộn huyện Hoài Đức.

Trang trại do ông làm chủ hiện nay chuyên sản xuất và tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chiết ghép giống nhãn chín muộn cho năng suất và giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Trong quá trình sản xuất, ông đã có sáng kiến trong việc ươm, chiết, ghép nhãn cả 4 mùa xuân -

hạ - thu - đông, mang lại thu nhập cao cho người làm vườn, giá trị kinh tế thu nhập 1ha nhãn gấp 6 - 7 lần so với trồng cây lúa và ước tăng 137 triệu đồng so với các năm trước, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 - 30 lao động, góp phần giúp các hộ tại địa phương thoát nghèo. Mức tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 20%/năm, tổng thu nhập bình quân ước đạt trên 2,1 tỷ đồng/năm. Trang trại của ông đã được nhiều đơn vị trong và ngoài nước đến tham quan, học tập như: Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam, Tổ chức cây trồng thế giới… Cá nhân ông đã đào tạo miễn phí hàng nghìn lượt lao động về kỹ thuật ươm, chiết cây giống, trong cây ăn quả mang lại hiệu quả cao. Ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh, ông luôn tích cực đóng góp kinh phí để xây dựng công trình phúc lợi của địa phương, tích cực đóng góp, ủng hộ các đợt phát động của địa phương về quỹ người nghèo, ủng hộ đồng bào bão lụt, quỹ chất độc da cam… Trang trại đã được Trung ương Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tặng Cúp vàng "Sản phẩm, dịch vụ xuất sắc", Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tặng Cúp vàng "Công nghệ xanh"…

Với những đóng góp trên, ông đã được Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen năm 2010; Hội CCB Việt Nam tặng Bằng khen năm 2011, Liên hiệp các Tổ chức UNESCO Việt Nam tặng Bảng vàng "Doanh nhân hiền tài" năm 2011. Năm 2014, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tặng danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh; Thương hiệu Nhãn chín muộn được bình chọn là sản phẩm hàng đầu Việt Nam…

10. Trung tá Chu Thị Hoa - Sinh năm 1966

Bản thân là phụ nữ đang mắc bệnh hiểm nghèo, phụ trách một đơn vị mũi nhọn trong lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm, thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm rình rập; nhiều lần đối mặt với sự sống và cái chết, nhưng với niềm đam mê nghề nghiệp, muốn góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân, bà luôn khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong những năm gần đây bản thân bà đã trực tiếp chỉ đạo và tham gia điều tra khám phá 1.218 vụ, bắt 1.500 đối tượng phạm tội về ma túy.

Với những đóng góp trên, cá nhân bà nhiều năm liên tục được tặng danh hiệu CSTĐ cơ sở; Chiến sĩ thi đua toàn ngành lực lượng CAND năm 2012; 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 4 lần được Bộ Công an tặng Bằng khen và nhiều lần được Công an thành phố, Công an quận Hoàn Kiếm tặng Giấy khen.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
10 cá nhân dự kiến đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2015

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.