(HNM) - Trên dưới 1% cán bộ, công chức chưa hoàn thành nhiệm vụ là con số được Bộ trưởng Bộ Nội vụ công bố tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20-9 và nó lập tức không chỉ làm "nóng" phiên thảo luận mà còn gây xôn xao dư luận. Theo giải trình của "tư lệnh" ngành nội vụ, đây là kết quả báo cáo từ các địa phương. Vậy thì chắc chắn nó phải là con số thật, có giấy trắng mực đen hẳn hoi, nhưng vì sao dư luận lại bất ngờ?
Mới đây, trong cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: "Trong bộ máy của chúng ta có 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" không mang lại bất cứ một thứ hiệu quả công việc nào". Giờ đây, nếu con số 1% kia là thực, quả thật rất đáng mừng.
Theo báo cáo, cả nước hiện có 2,8 triệu công chức và nếu 99% số ấy hoàn thành nhiệm vụ thì công cuộc cải cách công vụ, công chức đã gần đến đích. Song, thực tế liệu có được như vậy? Liệu có bao nhiêu phần trăm công chức đã cống hiến hết mình, bao nhiêu phần trăm đáp ứng được vị trí công việc? Xin dẫn ra đây một con số, đó cũng là con số 30% gây "sốc" được công bố cuối tháng 6 vừa qua. Thông tin từ Bộ Nội vụ cho biết, có đến 30% công chức dự thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp trong một kỳ thi mới tổ chức đã không đạt điểm để xét (trong số này có 9/22 công chức của Bộ Nội vụ).
Con số này chắc chắn cũng thật 100% vì Bộ Nội vụ khẳng định đây là kỳ thi được tổ chức khách quan, công bằng, nghiêm túc, phản ánh đúng chất lượng công chức dự thi từ trước tới nay.
Những con số ấy dù đúng hay sai đều ẩn chứa trong nó sự thật. Đó là sự thật về chất lượng cán bộ, công chức hiện nay. Có lẽ ai cũng biết chẳng ở đâu, cơ quan nào mà cán bộ cứ răm rắp đến đúng giờ cắm đầu vào làm việc cho đến lúc tan tầm. Thay vào đó, nhiều người sáng thì dềnh dàng đến công sở rồi mới tranh thủ đi ăn điểm tâm, xong lại tụ hội cà phê mới quay về làm việc. Ngồi chưa nóng chỗ thì đã nhấp nhổm ăn trưa, nhậu nhẹt, trở về cơ quan lúc đã đến giờ làm việc nhưng vẫn cố tranh thủ làm giấc ngủ cho lại sức. Gần cuối giờ chiều là lại thấp thỏm chuyện chơi thể thao, đón con… Cách làm việc như vậy thì hỏi làm sao hiệu quả.
Tuy không phải là tất cả và chúng ta cũng khó có cách nào để có con số chính thức xác nhận bao nhiêu phần trăm công chức làm việc hiệu quả, nhưng phải nghiêm túc thừa nhận rằng chất lượng và thái độ làm việc của một bộ phận công chức hiện nay là "có vấn đề". Tại một cuộc hội thảo tháng 1-2013, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Thế Trung phát biểu rằng, có người lạc quan đánh giá tỷ lệ cán bộ làm việc thực sự khoảng 70-80% nhưng người bi quan hơn cho rằng chỉ ở mức 50-50. Những con số ấy khiến chúng ta phải suy ngẫm về hiệu quả thực sự của cán bộ, công chức hiện nay.
Cuối năm 2012, Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức đặt ra mục tiêu đến năm 2015 có 70% các cơ quan hành chính xây dựng và được phê duyệt danh mục vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch; nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức; đổi mới công tác đánh giá công chức theo hướng đề cao trách nhiệm người đứng đầu và gắn với kết quả công vụ; xây dựng và thực hiện cơ chế đào thải, giải quyết cho thôi việc và miễn nhiệm công chức không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật; quy định và thực hiện chính sách thu hút, tiến cử, phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ...
Chúng ta có quyền mong đợi và hy vọng rồi đây sẽ có những con số thật không gây sốc trong dư luận!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.