(HNM) - Người dân tại nhiều quốc gia ở Mỹ Latinh đã phải đối mặt với những toan lo vì virus Zika, loại virus gây ra chứng dị tật đầu nhỏ cho thai nhi. Zika là loại virus lây nhiễm qua trung gian truyền bệnh từ muỗi Aedes.
Loại virus này được nhận diện tại Uganda vào năm 1947 trên loài khỉ rhesus và năm 1952 được phát hiện trên người. Từ đó đến nay, thế giới đã ghi nhận nhiều vụ dịch Zika tại Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Á và Thái Bình Dương. Triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm virus là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban (mẩn đỏ trên da) kéo dài 4-7 ngày.
Giới chức y tế tại Brazil phun thuốc và đốt khói diệt muỗi để phòng chống virus Zika. |
Phát hiện lần đầu vào tháng 5-2015 tại Brazil, dịch Zika đã lan rộng hầu khắp Châu Mỹ và nhiều nước khác. Đông Bắc Brazil được xác định là "ổ dịch", Bộ Y tế Brazil đã huy động 250.000 nhân viên tới các vùng dịch bệnh làm vệ sinh môi trường và xử lý ổ muỗi. Lệnh cấm tổ chức lễ hội carnaval đã được ban hành tại nhiều vùng có dịch để đề phòng lây lan. Ước tính gần 3.900 trường hợp bị nghi mắc bệnh đầu nhỏ ở Brazil, 49 trường hợp đã tử vong. Trước đó, số người mắc bệnh này ở Brazil là 160 trường hợp. Tại Mỹ, 3 trường hợp ở bang Florida đã bị nhiễm bệnh sau khi du lịch đến các nước Mỹ Latinh. Một trẻ sơ sinh ở Hawaii mắc bệnh về não có liên quan tới virus Zika. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã họp khẩn và đưa ra dự báo có khoảng 3 đến 4 triệu trường hợp nhiễm virus Zika ở châu lục này. Giới chức Anh cũng xác nhận 3 công dân của nước này bị lây nhiễm virus Zika sau khi trở về từ các nước Trung và Nam Mỹ. Nhiều khu vực ở Châu Phi, Châu Âu, Châu Á và Thái Bình Dương cũng đã xác nhận có trường hợp nhiễm virus Zika.
Một ngày sau khi WHO cảnh báo virus Zika đang "lây lan dữ dội" và nhấn mạnh mức báo động "rất cao", các nước Châu Á đã phát động chiến dịch nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này. Ngày 29-1, Chính phủ Ấn Độ đã khởi động các bước đề phòng nguy cơ bùng phát dịch. Cùng ngày, Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình quốc gia của Trung Quốc cho biết, nước này đang đối mặt với khả năng virus Zika thâm nhập, tuy nhiên chưa ghi nhận ca nhiễm nào.
Theo các chuyên gia thuộc Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Trung Quốc (China CDC), nếu vào Trung Quốc, virus Zika sẽ ít khả năng lây lan vì điều kiện thời tiết lạnh không thuận lợi cho virus này phát triển. CDC đã bào chế các loại thuốc thử để phát hiện virus Zika. Trong khi đó, Bộ Y tế Campuchia khẳng định hiện chưa có ca nhiễm virus Zika tại nước này nhưng cũng khuyến cáo người dân tự bảo vệ mình, tránh để bị muỗi vằn đốt nhằm ngăn nguy cơ lây bệnh. Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Zika. Bộ Y tế nước ta đang phối hợp chặt chẽ với WHO để theo dõi sát diễn biến và các nguy cơ của dịch bệnh, đồng thời tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống...
Trước cuộc "tấn công" của Zika, Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan kêu gọi triệu tập một cuộc họp để quyết định có nên công bố tình trạng khẩn cấp quốc tế hay không. Cuộc họp dự kiến diễn ra trong 40 giờ tới. Người đứng đầu WHO cho biết, các đợt bùng phát virus trước đây thường ít được quan tâm nhưng tình hình hiện nay rất khác biệt khi Zika cho lo ngại về việc loại virus này có thể gây dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ ngày càng tăng. Các quốc gia như Ecuador, Colombia và El Salvador đã đưa ra lời khuyên các cặp vợ chồng không mang thai trong thời gian này. Một trường y ở Honduras cũng đưa ra cảnh báo tương tự.
Giới chuyên gia dịch tễ khuyến cáo diệt muỗi truyền bệnh và các ổ chứa muỗi, bọ gậy cần được xem là tuyến "phòng thủ" đầu tiên để đối phó với nguy cơ Zica. Trứng của muỗi Aedes có thể chịu được khô hạn tới hơn một năm và vẫn nở ra "lăng quăng" khi gặp nước. Khi muỗi đã nhiễm virus, nó có thể truyền bệnh suốt đời, do đó có thể truyền bệnh cho rất nhiều người. Các chuyên gia đánh giá, khó có thể tạo được vắc xin an toàn và hiệu quả để chống lại virus Zika trong năm nay, thậm chí là vài năm tới. Đây chính là điều khiến cả thế giới lo ngại sự lây lan của Zika.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.