Theo dõi Báo Hànộimới trên

Yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu Hải Dương 08 khỏi vùng biển Việt Nam

Nguyễn Thúc| 12/09/2019 17:29

(HNMO) – Chiều 12-9, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã họp báo thường kỳ, thông tin và giải đáp các vấn đề báo chí trong và ngoài nước quan tâm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Trước đề nghị cập nhật thông tin liên quan tới nhóm tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

Theo các cơ quan chức năng của Việt Nam, nhóm tàu Hải Dương 08 đã tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 của Trung Quốc tiếp tục các hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của Việt Nam, được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Việt Nam cũng đã nêu quan điểm về những ảnh hưởng tiêu cực trong hoạt động vi phạm của nhóm tàu Hải Dương 08 đối với quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông cũng như khu vực. Vì những lý do đó, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm nghiêm trọng này, rút toàn bộ những tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam. 

Các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình như nêu trên là vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Việt Nam khẳng định lập trường của mình về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Trước thông tin tàu Lam Kinh của Trung Quốc tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: "Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên nếu không có sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và không có giá trị. Từ ngày 3 đến 4-9 vừa qua, tàu Lam Kinh đã đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hoạt động của tàu luôn được các lực lượng chức năng của Việt Nam giám sát theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS”. 

Về phản ứng của một số quốc gia châu Âu trước các hoạt động đơn phương trên Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: Quan điểm của Việt Nam về tự do hàng hải và hàng không trên biển là rõ ràng, nhất quán và đã được thể hiện nhiều lần. Theo đó, các hoạt động trên biển cần tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, như được thể hiện trong UNCLOS 1982. 

Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực, đặc biệt trên các lĩnh vực kinh tế, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải. Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở khu vực Biển Đông được xác lập tại UNCLOS 1982 là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm và nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế. 

Trước việc Ủy ban Bảo vệ ký giả (Mỹ) ra báo cáo, cho biết Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia kiểm duyệt báo chí truyền thông nhiều nhất, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, dựa trên những thông tin không chính xác, thiếu khách quan về tình hình Việt Nam trong báo cáo nói trên. Tại Việt Nam, quyền tự do ngôn luận nói chung và quyền tự do báo chí nói riêng được quy định cụ thể trong Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật liên quan. Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo quyền tự do ngôn luận trên báo chí, không gian mạng và các hình thức khác, trong đó bảo vệ người dân trước tin tức giả, tin tức không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, tin tức bịa đặt, sai sự thật, kích động thù hằn dân tộc”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu Hải Dương 08 khỏi vùng biển Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.