Thanh tra Chính phủ triển khai giám sát xử lý đơn thư tại 36 tỉnh, thành phố (HNM) - Ngày 6-9, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan nhằm kiểm tra, hướng dẫn giải quyết 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài và bàn giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
* Thanh tra Chính phủ triển khai giám sát xử lý đơn thư tại 36 tỉnh, thành phố
(HNM) - Ngày 6-9, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan nhằm kiểm tra, hướng dẫn giải quyết 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài và bàn giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Theo kết quả tổng hợp, tính đến thời điểm này, Thanh tra Chính phủ đã có 19 tổ công tác triển khai giám sát xử lý đơn thư tại 36 tỉnh, thành phố. Các bộ: Tài nguyên & Môi trường, Xây dựng, Lao động - Thương binh & Xã hội thành lập 9 tổ mũi nhọn xem xét tại 11 địa phương. Tổng số khiếu nại đã được 4 cơ quan trên kiểm tra tương đương với 389/528 vụ việc. Trong đó, có 280 vụ việc đã thống nhất phương án giải quyết. Ngoài lực lượng chủ yếu nêu trên, Bộ Tư pháp đã chủ động rà soát 56 vụ việc tồn đọng, hầu hết thuộc lĩnh vực thi hành án dân sự. 42 tỉnh, thành phố đã có báo cáo diễn biến 3 tháng phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch 1130 của Thanh tra Chính phủ về hướng xử lý khiếu nại, tố cáo với 70% số đơn thư phức tạp. Khó khăn nhất hiện nay là một số địa phương còn có tâm lý ỷ lại vào trung ương (TƯ), lúng túng khi xác định lộ trình giải quyết dứt điểm các nội dung đã tồn đọng từ nhiều năm, từng qua nhiều cấp giải quyết.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố phối hợp với TƯ, tập trung lực lượng để hoàn thành việc rà soát 139/528 vụ việc tồn đọng trước ngày 31-10-2012. Phấn đấu trong năm 2012 xử lý dứt điểm các khiếu nại đã có phương án thống nhất giữa các bộ, ngành TƯ với chính quyền các cấp trên cơ sở lập kế hoạch cụ thể về thời gian, tiến độ thực hiện. Đối với đơn thư có khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách khi xem xét, cần thống nhất với các cơ quan TƯ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội cho cơ chế xử lý. Qua công tác rà soát, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan thống nhất sẽ kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội tiếp tục sửa đổi và hoàn thiện Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành nhằm bảo đảm chính sách, pháp luật có quan tâm thỏa đáng đến quyền lợi và các giải pháp ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân; ban hành Luật Tiếp công dân trong năm 2013 và triển khai thực hiện hai Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.