(HNM) - Vào 23h10 ngày 27-11 (giờ Việt Nam), tại kỳ họp lần thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể - diễn ra tại Paris (Pháp), Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với 100% số phiếu tán thành.
Nhằm giúp bạn đọc hiểu hơn về di sản có một không hai này, cũng như công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong tương lai, ngày 28-11, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan (nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam) - một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về di sản âm nhạc truyền thống nói chung, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng.
Một tiết mục tại Liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh - 2014. Ảnh: Sỹ Minh |
- Là người phản biện hồ sơ "Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh" trước khi được trình lên UNESCO, ông có thể cho biết rõ hơn về sự độc đáo của di sản dân ca Ví, Giặm?
- Ví, Giặm là hai lối hát dân ca (không có nhạc đệm) được cộng đồng cư dân ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay nhằm phản ánh cuộc sống, lao động, sinh hoạt, tâm tư, tình cảm của nhân dân. Vì vậy, các lối hát được gọi tên theo các hoạt động như: Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường nón, Giặm ru, Giặm kể, Giặm khuyên… Đặc biệt là khi điều kiện xã hội thay đổi, nhiều nghệ thuật truyền thống khác không kịp thay đổi để thích nghi với thời cuộc thì Ví, Giặm có thể tự mình chuyển đổi từ nghệ thuật thực hành trong cộng đồng, trong các phường nghề thành nghệ thuật trình diễn. Chính nhờ sự chuyển đổi đó mà Ví, Giặm có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng, ít bị biến động theo sự thăng trầm của lịch sử.
Về mặt nghệ thuật học, phải nói rằng Ví, Giặm đã đóng góp cho kho tàng âm nhạc Việt Nam một hình thức dân ca khác với tất cả các hình thức âm nhạc dân gian có từ Thanh Hóa trở ra. Nó là một nhạc ngữ riêng, không giống như nhạc ngữ của vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Mã. Nhạc ngữ ấy vừa làm cho âm nhạc dân gian Việt Nam phong phú hơn về âm hưởng, vừa là tiền đề để các nhạc sĩ sáng tạo ra nhiều tác phẩm đậm tính hiện thực, được công chúng đón nhận nhiệt tình. Với sự độc đáo ấy, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nhận được 100% số phiếu tán thành của các thành viên tham gia kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể là điều dễ hiểu.
- Như ông vừa nói thì dân ca Ví, Giặm có khả năng chuyển đổi từ nghệ thuật thực hành trong cộng đồng thành nghệ thuật trình diễn. Xét về khía cạnh bảo tồn, điều đó có gì đáng lo ngại không, thưa ông?
- Chúng ta không nên lo lắng vì bản thân dân ca Ví, Giặm trước khi được người dân chuyển đổi thành nghệ thuật giải trí cộng đồng thì nó đã là của cộng đồng, sau khi chuyển đổi nó vẫn là của cộng đồng. Từ nghệ thuật giải trí cộng đồng, dần dần người ta xây dựng nên những sân khấu Ví - Giặm và hình thành một tầng nghệ thuật khác tầng nghệ thuật dân gian. Hai tầng nghệ thuật này song song tồn tại, góp phần đắp đầy đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân, chứ nó không mâu thuẫn hay làm tổn hại lẫn nhau.
- Ví, Giặm cũng như nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác không còn nhiều nghệ nhân gạo cội để có thể gìn giữ, trao truyền nét tinh hoa của di sản cho thế hệ sau. Trước thực trạng này, theo ông, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm nên được thực hiện như thế nào?
- Có thể nói, chưa có loại hình nghệ thuật âm nhạc truyền thống nào khiến tôi lạc quan vào tương lai như Ví, Giặm. Nghệ nhân Ví, Giặm gạo cội không còn nhiều, nhưng người thực hành di sản còn rất nhiều. Tôi được biết hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có 260 làng với hàng nghìn người có thể thực hành di sản. Nhiều nhóm dân ca Ví, Giặm được công chúng biết mặt, nhớ tên như nhóm Hồng Sơn, Ngọc Sơn ở Nghệ An; nhóm O Nhẫn, nhóm Thạch Khê ở Hà Tĩnh… Các công trình nghiên cứu về Ví, Giặm cũng đã được tiến hành bài bản, khoa học, cả về nhạc bản lẫn lời ca, đủ tư liệu cho công chúng có thể tìm hiểu về di sản Ví, Giặm ở nhiều góc độ. Hơn thế, Ví, Giặm không nhất thiết phải có không gian văn hóa mới sống được như nhiều di sản khác. Ví, Giặm đã được nhân dân chuyển hóa rồi, có thể bám rễ ở mọi nơi. Bằng chứng là các phường nghề không còn nhưng di sản vẫn sống khỏe đến ngày hôm nay.
Với những nét đặc thù ấy, tôi cho rằng, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh không quá khó. Tốt nhất là chúng ta nên đưa Ví, Giặm vào các sinh hoạt cộng đồng; khuyến khích, tạo điều kiện cho nghệ nhân truyền dạy di sản bằng cách trả thù lao xứng đáng. Hiện nay, chúng ta có cái "bệnh" tổ chức chương trình nghệ thuật hoành tráng trong những ngày lễ, tết, dịp kỷ niệm nhưng lại thường bỏ quên nghệ thuật dân gian. Như trên tôi đã nói, nội dung của các làn điệu Ví, Giặm gắn rất chặt với đời sống sinh hoạt của nhân dân, cho nên, chỉ cần có cơ hội là người dân sẽ không ngừng sáng tạo, trao truyền.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể thứ 9 của Việt Nam được UNESCO vinh danh. Theo UNESCO, di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng dân cư hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; phản ánh sâu sắc bản sắc văn hóa cũng như suy nghĩ, cảm xúc của cộng đồng theo cách riêng của họ. Việc tôn vinh dân ca Ví, Giặm có thể góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về di sản văn hóa phi vật thể để từ đó di sản được bảo tồn bền vững hơn. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.