Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ý thức là nhân tố quyết định

Dục Tú| 02/02/2012 07:10

(HNM) - Hôm qua, Hà Nội chính thức thực hiện quyết định đổi giờ làm việc, học tập, kinh doanh. Với một quyết định liên quan đến nhiều nhóm xã hội, trong bối cảnh hạ tầng giao thông Thủ đô còn nhiều hạn chế, hẳn nhiên hiệu quả từ quyết định nói trên chưa thể thấy rõ trong ngày một ngày hai.


Với một quyết định liên quan đến nhiều nhóm xã hội, trong bối cảnh hạ tầng giao thông Thủ đô còn nhiều hạn chế, hẳn nhiên hiệu quả từ quyết định nói trên chưa thể thấy rõ trong ngày một ngày hai. Tuy vậy, theo ghi nhận bước đầu, tình hình giao thông vào đầu giờ sáng qua dễ chịu hơn trước đôi chút. Một số điểm "nóng" về giao thông vào giờ cao điểm đã "hạ nhiệt".

Một số nhà phân tích cho rằng cần phải chờ thêm để có thể nhận xét chính xác về hiệu quả của quyết định đổi giờ làm việc, học tập, kinh doanh tại Hà Nội bởi ngày 1-2, sinh viên nhiều trường đại học chưa đi học trở lại và nhiều lao động tự do còn ở quê. Hơn nữa, mật độ giao thông tại Hà Nội chưa trở lại mức bình thường còn là bởi các lễ hội trong vùng đã góp phần san sẻ lượng người tham gia giao thông với Hà Nội…

Cả hai phía, lạc quan hay còn phân vân trước hiện trạng giao thông Hà Nội trong ngày đầu thực hiện một quyết định quan trọng, xem ra đều có lý. Thay đổi một thực tế, một sự hạn chế, dù là sau một quyết định hành chính mang tính mệnh lệnh, rõ ràng không phải là chuyện đơn giản. Tuy vậy, sẽ là đúng đắn hơn nếu coi quyết định thay đổi giờ làm việc, học tập, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội chỉ là một trong số nhóm giải pháp để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông. Nói vậy, có nghĩa là việc thay đổi giờ có ý nghĩa "góp phần" chứ không mang tính quyết định tuyệt đối. Muốn giải quyết tình trạng nói trên thì cần nhiều giải pháp, từ cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông đến nâng cao ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông (bằng giáo dục, vận động và các biện pháp hành chính mạnh), điều tiết quy mô dân số - việc làm - giáo dục tại khu vực trung tâm… Mỗi giải pháp có ý nghĩa và hiệu quả riêng, trong đó nâng cao ý thức của người tham gia giao thông là quan trọng hàng đầu, không kém việc cải thiện điều kiện hạ tầng. Vì sao?

Ta thường nghe chuyện "Hai con dê qua cầu", thấy đúng với tâm lý của một bộ phận người tham gia giao thông hiện nay. Người đi đường không phải ai cũng dễ nhường nhịn, thấy có cơ hội là lao, là chèn, là lách, bất kể những nguyên tắc ưu tiên đã được luật hóa. Từ đường phố, không cần sự đúc rút hay "lý luận to tát", ai cũng thấy được sự lộn xộn phần lớn là do người tham gia giao thông mà ra. Ô tô vượt phải, đi vào làn xe thô sơ dù không có nhu cầu rẽ phải; xe máy, xe đạp thản nhiên luồn lách, tạt đầu ô tô, leo cả lên vỉa hè; người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định, bất cần đèn tín hiệu, an tâm với lối suy nghĩ "ô tô, xe máy phải nhường mình"… Bởi vậy, lúc này, trong những ngày đầu, cùng với thực hiện quy định mới của chính quyền, cũng cần tự hỏi mình. Có phải một phần quan trọng là do ý thức tham gia giao thông kém cỏi mà ra?

Bởi thế, hiện giờ, điều quan trọng là phải tìm ra giải pháp nâng cao ý thức tuân thủ luật của người tham gia giao thông. Tuyên truyền cũng cần, nhưng phải đi đôi với duy trì thực hiện các biện pháp hành chính mạnh một cách khách quan, triệt để.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý thức là nhân tố quyết định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.