Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ý nguyện vì hòa bình

Vũ Duy Thông| 28/05/2014 03:54

(HNM) - Sáng 27-5, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã long trọng tổ chức lễ thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam và lễ tiễn hai sĩ quan Việt Nam đầu tiên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Sự kiện ra đời Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở Biển Đông do Trung Quốc gây ra đang gia tăng một lần nữa cho thấy ý nguyện bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh của Đảng và Nhà nước Việt Nam là trước sau như một, ngày càng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Cách đây 10 năm, ý tưởng Việt Nam sẽ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã được thế giới nhiệt tình ủng hộ. Trong điều kiện đất nước còn nhiều

khó khăn, Việt Nam đã khẩn trương xúc tiến các điều kiện cần thiết như thành lập các tổ chức chỉ huy trong nước, cử hàng trăm người đi học tiếng Anh, cử nhiều đoàn đại biểu ra nước ngoài để tham quan, tìm hiểu về tổ chức này, thỏa thuận cụ thể về các lĩnh vực tham gia… Theo đó, Việt Nam sẽ tham gia tích cực trong vai trò giải quyết các hoạt động nhân đạo, tái thiết sau chiến tranh, giúp đỡ những nạn nhân chiến tranh, ngăn ngừa các nguy cơ bùng phát xung đột. Bước hai của chương trình, Việt Nam sẽ triển khai một bệnh viện dã chiến cấp 2 và một đại đội công binh đến Nam Sudan trong năm 2015.

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu sự tham gia chính thức của Việt Nam vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, một tổ chức biểu trưng cho khát vọng hòa bình của các dân tộc trên thế giới; đồng thời cũng chứng tỏ cách nhìn nhận thiện cảm và sự tôn trọng đối với Việt Nam trong sự nghiệp gìn giữ hòa bình.

Từ một đất nước phải trải qua nhiều năm chiến đấu để thoát khỏi ách nô lệ, sau đó lại trải qua 30 năm chiến tranh, chống lại các đạo quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới để bảo vệ nền độc lập cho dân tộc, nhân dân Việt Nam hiểu rất rõ chiến tranh là gì và luôn cháy bỏng khát vọng hòa bình. Nhưng hòa bình phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; phải mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân; mọi hành động trái với luật pháp và thông lệ quốc tế cần phải được ngăn chặn và loại bỏ. Hòa bình phải được bảo vệ bằng những biện pháp trước tiên là hòa bình, đối thoại và phải có sức mạnh thực sự để bảo vệ nó.

Việc Việt Nam triển khai Trung tâm Gìn giữ hòa bình và chọn cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình tuy ngẫu nhiên, nhưng lại có mối liên hệ trực tiếp với cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông lúc này. Việt Nam kiên quyết bảo vệ từng tấc đất, dặm biển của mình trước hết bằng những biện pháp hòa bình, đối thoại, tôn trọng chân lý và tôn trọng lẫn nhau, nhưng cũng sẵn sàng hy sinh xương máu vì vận mệnh Tổ quốc. Việt Nam đã từng chiến thắng các cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ, khốc liệt nhất và luôn sẵn sàng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Hai sự kiện đó tuy khác nhau nhưng bản chất là một. Bởi lẽ đích đến của cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam chính là giành và giữ hòa bình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ý nguyện vì hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.