(HNMO) – Chiều 23-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Chủ thể nào được đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài?
Thảo luận về dự thảo Luật, nhiều đại biểu nêu ý kiến đồng tình với phương án quy định theo hướng chỉ giao đơn vị sự nghiệp là trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập và chỉ được thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực thi thỏa thuận quốc tế.
Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) và một số đại biểu khác cho rằng, quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức thực hiện được thuận lợi và mở ra cơ hội việc làm cho người lao động tìm kiếm và đi làm việc ở nước ngoài.
Đại biểu Nguyễn Sơn (Đoàn Hà Tĩnh) nêu quan điểm, quy định trên phù hợp với thực tiễn và đây là hành động thiết thực đưa pháp luật vào cuộc sống. Chung ý kiến, đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Đoàn Nghệ An) đề nghị quy định lộ trình, thời gian thực hiện cụ thể để các trung tâm dịch vụ việc làm chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất đáp ứng nhiệm vụ mới này.
Các đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang), Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) và một số đại biểu khác lại cho rằng, không nên giao đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế. Đại biểu Trần Văn Lâm phân tích, việc đưa một chủ thể không mang yếu tố thị trường tham gia thực hiện hoạt động như doanh nghiệp sẽ tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng, có thể dẫn đến những can thiệp làm méo mó thị trường lao động.
“Thực tế cho thấy, không nhất thiết phải thực hiện hỗ trợ thông qua các trung tâm dịch vụ việc làm công lập, bởi người lao động đang ngày càng có nhiều cơ hội được tiếp cận với nhiều kênh tuyển dụng”, đại biểu nhấn mạnh.
Tranh luận với đại biểu Trần Văn Lâm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Đoàn Bạc Liêu) cho rằng, hiện nay người lao động đi làm việc ở nước ngoài rất cần vai trò của các trung tâm dịch vụ việc làm bởi đội ngũ lao động ở nước ngoài hiện nay đang có nhiều vấn đề phức tạp, cần có sự kiểm soát, hỗ trợ cho người lao động.
Quan tâm hỗ trợ việc làm cho lao động sau khi về nước
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề cập đến chính sách của Nhà nước đối với người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp dịch vụ...
Trong đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ quy định chi tiết về bảo đảm bình đẳng giới, có các biện pháp hỗ trợ lao động nữ, làm những công việc nhạy cảm, có khả năng bị xâm hại. Đại biểu cũng cho rằng, việc hỗ trợ tạo việc làm và khởi nghiệp để phát huy kiến thức, chuyên môn kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài về nước là cần thiết.
“Thời gian qua, nhiều địa phương thực hiện việc hỗ trợ tạo việc làm và khởi nghiệp rất tốt. Tuy nhiên, có địa phương, sự quan tâm rất hạn chế dẫn đến có bộ phận không nhỏ lao động khi về nước không có việc làm. Sau khi hết tiền thì những lao động này lại đi làm thuê, cho nên Nhà nước cần có kế hoạch tạo việc làm cho những lao động này”, đại biểu nêu ý kiến.
Giải trình thêm về vấn đề chủ thể đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc giao nhiệm vụ này cho đơn vị sự nghiệp là trung tâm dịch vụ việc làm là phù hợp với thông lệ quốc tế và tuyên bố cấp cao ASEAN về lao động di cư mà Việt Nam đã cam kết. Đây cũng là giải pháp cắt giảm chi phí khi người lao động không phải trả tiền dịch vụ và tiền môi giới.
“Việc này cũng không gây ra tranh chấp với các doanh nghiệp vì đây là hoạt động phi lợi nhuận. Các trung tâm chỉ được hoạt động khi được giao nhiệm vụ ở thời điểm nhất định và không phát sinh bộ máy, tổ chức, nhân sự mới”, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm với 22 ý kiến phát biểu, 2 ý kiến tranh luận. Nhìn chung, các đại biểu Quốc hội nhất trí với nhiều nội dung, đồng thời đề xuất một số vấn đề để hoàn thiện dự thảo Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.