Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xung lực mới từ thương mại điện tử

Lam Giang| 06/02/2022 06:44

(HNM) - Với cú hích từ dịch Covid-19, thị trường thương mại điện tử năm 2021 tại Việt Nam đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ (đạt doanh số 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020), đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đây là tiền đề để năm 2022, thương mại điện tử sẽ tiếp tục "bùng nổ", tạo xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Sàn thương mại điện tử Lazada đã và đang hoàn thiện khâu vận chuyển hàng hóa, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2021

Những ngày đầu tháng 6-2021, trên các sàn thương mại điện tử lớn trong nước, như Sendo, Voso, Tiki, Lazada, Shopee, Postmart ngập tràn hình ảnh trái vải thiều chín đỏ của tỉnh Bắc Giang. Thời điểm đó, dịch Covid-19 bùng phát tại Bắc Giang khiến việc tiêu thụ vải thiều đang vào vụ thu hoạch gặp rất nhiều khó khăn. Song, các bộ, ngành và Bắc Giang đã nhanh chóng vào cuộc, kết nối với các sàn thương mại điện tử để đồng loạt mở bán vải thiều. Kết quả, đã có 1 triệu đơn hàng được chốt với 9.000 tấn vải thiều bán qua các sàn thương mại điện tử. Mùa vải thiều năm 2021, tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ hết 215.000 tấn (tăng 50.000 tấn so với kế hoạch), thu về 6.821 tỷ đồng nhờ đa dạng kênh bán hàng, trong đó có kênh thương mại điện tử. Hơn thế, bà con nông dân tỉnh Bắc Giang đã tìm được hướng đi mới thông qua thương mại số và từng bước thay đổi quan niệm về tiêu thụ vải thiều.

Năm 2021 cũng là năm các sàn thương mại điện tử ghi nhận những con số kỷ lục. Giám đốc điều hành sàn thương mại điện tử Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết, lượng truy cập vào sàn Shopee tăng gấp 1,5 lần, số lượng đơn hàng tăng gấp 3 lần.

Theo Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Thông tin thêm về vấn đề này, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải cho biết, điểm sáng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong thời gian qua là xu hướng tích cực chuyển đổi số của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại các địa phương. Chất lượng giao dịch thương mại điện tử ngày càng được nâng lên. Thương mại điện tử đã mở rộng ra nhiều ngành nghề, lĩnh vực, sản phẩm. “Mảng sáng của thương mại điện tử trong năm 2021 là thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, từng bước thúc đẩy chuyển đổi số trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế số”, ông Đặng Hoàng Hải nói.

Dự báo năm 2022 sẽ tiếp tục “bùng nổ”

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng nhìn nhận, dịch Covid-19 như một cú hích đẩy nhanh quá trình tăng trưởng của thương mại điện tử. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong các năm gần đây đạt khoảng 30-35%/năm. "Đến nay, đã có hơn 70% dân số Việt Nam tiếp cận internet, trong đó gần 50% người dùng Việt Nam đã mua sắm trực tuyến, 53% người dân đã sử dụng ví điện tử và thanh toán mua hàng qua mạng", ông Nguyễn Ngọc Dũng thông tin.

Thương mại điện tử có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021 là cơ sở để các chuyên gia dự báo, lĩnh vực này sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động thương mại, tiếp tục "bùng nổ" trong năm 2022 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử còn gặp những hạn chế về nhận thức của không ít doanh nghiệp, những khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ thông tin và thay đổi phương thức kinh doanh, khiến quy mô thương mại điện tử ở vùng sâu, vùng xa còn nhỏ; chi phí vận chuyển, giao hàng còn cao… Cùng với đó là vấn đề niềm tin và việc bảo mật thông tin của khách hàng…

Ông Đỗ Hữu Hưng, chuyên gia lĩnh vực thương mại điện tử khuyến nghị doanh nghiệp cần đẩy mạnh bán hàng đa kênh, đặc biệt với các sàn thương mại điện tử thay vì chỉ có một website hoặc chỉ có một fanpage Facebook như hiện nay. Mục tiêu hướng đến là người dùng ở đâu doanh nghiệp phải ở đó.

Liên quan tới các chính sách phát triển thương mại điện tử, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng mong muốn các chính sách cần mang tính khuyến khích thương mại điện tử phát triển, hạn chế tối đa các văn bản dưới luật thiếu tính nhất quán, các quy định chồng chéo được ban hành bởi nhiều bộ, ngành khác nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Với vai trò đầu mối của Bộ Công Thương về quản lý và phát triển thương mại điện tử, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục mở rộng chương trình gian hàng Việt trực tuyến quốc gia; đồng thời tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trên phạm vi cả nước. “Trong năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục thúc đẩy thương mại điện tử phát triển đi đôi với hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử và nâng cao chất lượng hoạt động vận tải, giao nhận hàng hóa, tạo nên một môi trường mua sắm, giao thương sôi động và đầy tiềm năng”, ông Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xung lực mới từ thương mại điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.