Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất siêu do nhập khẩu giảm

Hồng Sơn| 06/03/2016 06:46

(HNM) - Hai tháng đầu năm 2016 chứng kiến sự đảo chiều khá thú vị trong quan hệ thương mại khi Việt Nam đã xuất siêu, trái ngược với việc nhập siêu trong cả năm 2015. Tuy nhiên, xuất siêu chủ yếu do nhập khẩu giảm và sẽ nhanh chóng chấm dứt.


Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1, 2-2016, Việt Nam đã xuất siêu 865 triệu USD giá trị hàng hóa. Xét về lý thuyết thì đó là một chỉ dấu rất đáng mừng cho "sức khỏe" của nền kinh tế. Nói rộng hơn, hàng hóa Việt đang "nhanh chân" tiến vào thị trường quốc tế, tiếp tục tạo dựng hình ảnh, uy tín và sức mạnh của mình; cũng đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp (DN) giữ vững được sản xuất, người lao động có việc làm và thu nhập. Nhưng, tình hình nói trên chưa hẳn là khả quan. Trước hết, hai tháng qua là khoảng thời gian chuẩn bị bước vào chu kỳ Tết, kéo theo sự trầm lắng của hầu hết hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này lý giải vì sao nhu cầu và kết quả nhập khẩu của các loại nguyên liệu, vật tư phục vụ nhiều ngành quan trọng như dệt may, da giày, linh kiện - phụ tùng… giảm hẳn so với các tháng trước.

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long). Ảnh: Thái Hiền


Ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội cho rằng, cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, lại càng không nên chủ quan vì hoạt động xuất khẩu trong điều kiện hội nhập sẽ là áp lực rất lớn với các DN. Tính chung, xuất siêu chủ yếu là do nhập khẩu giảm (giảm 6,6%) chứ không hẳn do xuất khẩu tăng cao, vì thực tế kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng hơn 2,9% so với cùng kỳ - cũng là mức tăng rất thấp so với yêu cầu tăng trung bình 10% theo chỉ tiêu năm nay. Phân tích sâu hơn còn thấy, nếu tình trạng nhập khẩu nhiều loại nguyên, vật liệu tiếp tục giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, từ đó tác động tiêu cực đối với nền kinh tế nói chung.

Thực tế, mức độ xuất siêu đã giảm theo thời gian. Cụ thể, tháng 1 xuất siêu 765 triệu USD, nhưng tháng 2 mức xuất siêu chỉ còn 100 triệu USD. Vì vậy, có thể xuất hiện xu hướng sự xuất siêu sẽ nhanh chóng chấm dứt và thay vào đó là tình trạng nhập siêu, bởi phần lớn các DN đang trên đà lấy lại mức sản xuất sau Tết, dẫn đến nhu cầu nguyên liệu vật tư cũng vì thế tăng mạnh.

Theo ông Mạc Quốc Anh, một khi sản xuất phục hồi và đi vào ổn định, nhất là khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam nhanh hơn thì nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị để hình thành dây chuyền sản xuất cũng như nguyên vật liệu đầu vào của các dự án mới được cấp phép sẽ tăng cao. Đó sẽ là thực tế thúc đẩy nhập khẩu diễn ra mạnh mẽ hơn và có thể giá trị nhập khẩu sẽ tăng cao hơn xuất khẩu. Điều đó sẽ tạo ra sự thay đổi về cán cân xuất nhập khẩu.

Thực tế, trong khi nền sản xuất vẫn còn đang phụ thuộc rất nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu như hiện nay, nhập siêu có thể lại được coi là tín hiệu mừng cho thấy sự hồi phục của các ngành sản xuất. Nhưng về lâu dài, vấn đề nhập siêu cần phải giải quyết triệt để bằng cách thay thế các mặt hàng nguyên vật liệu nhập khẩu bằng sản phẩm trong nước.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Sau tháng Tết, các DN đang đồng loạt trở lại sản xuất nên nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất, gia công, lắp ráp sẽ tăng vì nền kinh tế nước ta vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Với nhận định viễn cảnh kinh tế khá tốt trong thời gian tới, làn sóng đón đầu TPP của giới đầu tư quốc tế vào Việt Nam của DN nước ngoài để sản xuất hàng xuất khẩu làm cho mức nhập khẩu từng bước tăng dần và rất có khả năng xảy ra đảo chiều từ xuất siêu sang nhập siêu ngay trong tháng tới.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất siêu do nhập khẩu giảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.