(HNM) - Năm 2021, Việt Nam và thế giới đối mặt với những biến cố chưa từng có khi chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 làm dịch Covid-19 lây lan nhanh và mạnh, tác động tiêu cực tới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, hàng rào phi thuế quan siết chặt ở nhiều nước... Thế nhưng, bất chấp những khó khăn, xuất khẩu cả nước vẫn xác lập kỷ lục mới, tiếp tục ghi tên Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Thành công này một lần nữa khẳng định, xuất khẩu là trụ cột vững chắc của nền kinh tế Việt Nam.
Xác lập kỷ lục mới
Trung tuần tháng 9-2021, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam và Australia, những quầy hàng thanh long Việt Nam vẫn “phủ sắc đỏ” tại siêu thị Thaikee, Woolworths hay Coles (Australia). Đáng tự hào đây đều là những hệ thống siêu thị lớn, đặt tại những khu phố đắc địa, đắt đỏ tại các thành phố lớn ở Australia. Nhiều khách hàng đánh giá “5 sao” khi ấn tượng đặc biệt với quả thanh long Việt Nam kèm lời bình luận trên trang mua bán trực tuyến của siêu thị Woolworths, như: "Rất yêu thích, tôi có thể mua được quanh năm hay không?”; “Sản phẩm có chất lượng tốt, giá trị cao”... Thanh long tươi Việt Nam hiện được bán quanh năm tại nhiều chuỗi siêu thị với giá 4,9 AUD/quả (tương đương khoảng 83.000 đồng/quả). Đại diện nhà nhập khẩu - Công ty Hoa Australia cho biết, có những thời điểm, thanh long không có đủ để bán.
Trong niềm vui nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Australia tăng trưởng ấn tượng, tới 50% trong năm 2021, ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia khẳng định, uy tín, niềm tin vào thương hiệu hàng hóa Việt Nam đang lên cao tại Australia. Trước khi kết thúc năm 2021 một tháng, Bộ NN&PTNT đã thông báo tin vui xuất khẩu nông sản đã thu về 43,5 tỷ USD, cán đích chỉ tiêu xuất khẩu năm 2021 ngoạn mục. Dù có nhiều thời điểm xuất khẩu nông sản chững lại do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song hết năm 2021 kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các nhóm hàng chủ lực đều tăng mạnh và đạt con số đáng tự hào 48,6 tỷ USD.
Cùng với nông sản, thép là một trong những mặt hàng đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao kỷ lục năm qua khi lần đầu vượt kim ngạch 10 tỷ USD. Trong năm 2021, ngành Thép có 4 tháng liên tiếp xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép cả năm đạt 12 tỷ USD. Tập đoàn Hòa Phát cho biết, sản lượng xuất khẩu thép xây dựng thành phẩm cả năm 2021 vượt 1 triệu tấn, tăng gấp đôi so với năm 2020. Thép xây dựng Hòa Phát đã xuất khẩu tới 20 quốc gia, trong đó có các thị trường tiêu chuẩn cao gồm: Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... Những tháng cuối năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát đã nhận nhiều đơn đặt hàng lớn cho năm 2022 từ các thị trường Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Canada với khối lượng trên 300.000 tấn.
Bất chấp khó khăn của dịch Covid-19, năm 2021, xuất khẩu hàng hóa, nông sản của cả nước tiếp tục tăng cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD, xác lập kỷ lục mới. Trong tổng số 336,25 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu (tăng 19,5% so với năm 2020), 35 nhóm hàng hóa trị giá trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 nhóm hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD) đã đóng góp tới 93,5%. Việt Nam đã trở thành một trong 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Tính đến nay, hàng hóa của Việt Nam đã vươn tới hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc và nâng cao khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Mỹ, Australia...
Nhìn lại năm 2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, tình hình thế giới và khu vực có những yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen, diễn biến phức tạp hơn so với dự báo, nhất là dịch Covid-19 với những biến chủng mới, tác động sâu rộng đến sự phát triển của các quốc gia. Trong nước, làn sóng dịch Covid-19 thứ tư có quy mô và tính phức tạp hơn các đợt dịch trước. Nhất là trong quý III-2021, dịch bệnh xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam, như Bình Dương, Đồng Nai…, nơi chiếm 45% tỷ trọng xuất khẩu cả nước. Song với sự chung sức, đồng lòng, Chính phủ, các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, địa phương và các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đưa xuất khẩu cả nước phục hồi ấn tượng và lập nên kỳ tích mới đáng tự hào.
Để trụ cột kinh tế phát triển bền vững
Những ngày đầu năm 2022 này, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực là một tin vui với cộng đồng doanh nghiệp. Với sự tham gia của 15 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đây là hiệp định tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới (tương đương 26.200 tỷ USD), bao phủ 1/3 dân số thế giới (2,2 tỷ người).
Cùng với RCEP, đến nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi 15 hiệp định thương mại khác, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA)… Việc liên tục ký kết các hiệp định thương mại cho thấy tầm nhìn xa của Đảng, Chính phủ Việt Nam. Chúng ta đã sớm nhận diện làn sóng thay đổi về chất trong hợp tác thương mại và kinh tế toàn cầu, chủ động nắm bắt cơ hội, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới. Và trên thực tế, việc thực thi các hiệp định thương mại tự do đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng thương mại, kinh tế Việt Nam.
Ngay trong nguy nan do đại dịch Covid-19, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương. Như nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, điểm mấu chốt giúp các doanh nghiệp, ngành hàng “thoát hiểm”, đạt kim ngạch xuất, nhập khẩu ở ngưỡng kỷ lục mới chính là nhờ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới ngày càng “ngấm” sâu vào đời sống kinh tế Việt Nam. Còn bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhìn nhận cụ thể, nhờ CPTPP, xuất khẩu hàng hóa sang Canada, Mexico và Peru… đều có mức tăng trưởng 25-30%/năm. Nhờ EVFTA đi vào thực thi năm thứ hai, xuất khẩu của nước ta sang EU đạt xấp xỉ 40 tỷ USD. UKVFTA có hiệu lực từ đầu năm 2021 cũng góp phần tăng trưởng xuất khẩu hai con số, đạt 5,7 tỷ USD, tăng 14%.
Rõ ràng, sự kiên định phát triển kinh tế theo hướng mở đến nay đã đem đến cho chúng ta những “trái ngọt”. Bản lĩnh Việt Nam đã được thể hiện càng được khẳng định trong một năm cả thế giới chao đảo bởi dịch Covid-19. Và lĩnh vực xuất khẩu đã cho thấy vai trò là trụ cột vững chắc của nền kinh tế.
Tuy nhiên, để xuất khẩu tăng trưởng bền vững hơn, tạo những bứt phá mới, chúng ta còn nhiều việc phải làm. Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang, để xuất khẩu phát triển bền vững, việc tạo được nguồn hàng ổn định cho xuất khẩu là yếu tố quan trọng hàng đầu; tiếp đó là chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng tập trung vào các mặt hàng hàm lượng công nghệ lớn, có giá trị gia tăng cao, ưu tiên các ngành sản xuất tiết kiệm năng lượng, ít tác động tới môi trường, giảm phát thải. Ngoài ra, bà Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, cần đổi mới công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát triển logistics để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chống gian lận xuất xứ cũng là một giải pháp cấp bách để giúp xuất khẩu của Việt Nam duy trì tăng trưởng bền vững.
“Giải pháp mang tính cốt lõi là tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo sản phẩm chất lượng cao để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường với giá cả ngày càng cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ và xây dựng các chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ để dễ dàng áp dụng công nghệ vào sản xuất, đẩy nhanh số lượng, kiểm soát chất lượng sản phẩm xuất khẩu”, bà Nguyễn Cẩm Trang nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.