(HNMO) - Theo Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt 1,35 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 64,7% thị phần. Thị trường có giá trị nhập khẩu rau quả tăng mạnh nhất là Ukraina (gấp 6,97 lần). Ở chiều ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả giảm mạnh nhất là Saudi Arabia, giảm tới 62,0% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu các mặt hàng rau quả xuất khẩu, trong những tháng qua, thanh long xuất khẩu đạt 329,4 triệu USD (chiếm 34,1% tổng giá trị xuất khẩu, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước); xoài đạt 125,2 triệu USD (chiếm 12,9%, tăng 30,6%); chuối đạt 80 triệu USD (chiếm 8,3%, tăng 35,2%); dừa đạt 64 triệu USD (chiếm 6,6%, tăng 13,0%)…
Về nhập khẩu rau quả, 4 tháng đầu năm 2021, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả của cả nước đạt 451,1 triệu USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Còn trong 3 tháng đầu năm, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Myanmar là 3 thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam.
Dự báo về thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong những tháng tiếp theo, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết, quý II là thời điểm nắng nóng nên các loại trái cây, rau củ tươi hoặc đông lạnh được tiêu thụ khá mạnh. Việt Nam đã khai thác tốt nhóm hàng rau củ và đang đẩy mạnh xuất khẩu nhóm quả và hạt. Thời gian tới, ngành rau quả Việt Nam cần chú trọng hơn đến nhóm quả và hạt bởi đây là nhóm hàng có lợi thế cạnh tranh và giúp gia tăng giá trị xuất khẩu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư cho chế biến rau quả, tập trung vào những thị trường có giá trị kinh tế lớn để nâng cao giá trị xuất khẩu…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.