(HNM) - Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chính như rau quả, gạo... giảm mạnh, tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu nông sản chung của cả nước. Thời gian còn lại của năm 2019 không nhiều và có thể thấy mục tiêu kế hoạch xuất khẩu nông sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm
Rau quả là một trong những mặt hàng được coi là thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, sản lượng xuất khẩu liên tục giảm. Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cho hay, đơn hàng xuất khẩu trái cây của công ty sang thị trường chính là Trung Quốc giảm đến 30% do những thay đổi trong chính sách thương mại và rào cản kỹ thuật. Do vậy, doanh thu từ xuất khẩu của công ty bị tác động không nhỏ.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết thêm: Gần đây, do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng khiến lượng nông sản Trung Quốc xuất sang Mỹ giảm sút, buộc phải quay sang phục vụ thị trường trong nước. Để tăng tiêu thụ nội địa, Trung Quốc phải siết hàng nhập khẩu từ các nước, nên nông sản Việt vào nước này khó khăn hơn...
Thực tế cho thấy, sản phẩm rau quả xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy: Sản lượng rau quả xuất khẩu 9 tháng năm 2019 giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Chẳng hạn, sản lượng nhãn xuất khẩu giảm 43%, sầu riêng giảm 0,2%, dừa giảm 30,8%, dưa hấu giảm 26,3%...
Hiện lúa gạo là mặt hàng xuất khẩu có sự sụt giảm lớn nhất. Theo bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Long An, đơn hàng của công ty giảm đáng kể, đặc biệt xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc gần như đóng băng từ cuối năm 2018. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, lượng gạo xuất khẩu 9 tháng năm 2019 giảm 9,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Cùng với rau quả và gạo, nhiều mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm đáng kể. Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản, tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng năm 2019 đạt 30,02 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính (trái cây, gạo, cà phê) ước giảm 7,2% xuống gần 14 tỷ USD. Thủy sản, vốn là ngành hàng thế mạnh của Việt Nam cũng giảm khoảng 2% xuống còn 6,23 tỷ USD trong 9 tháng năm 2019.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, sự sụt giảm sản lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản là do những thay đổi từ thị trường Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, do đó những biến động tại thị trường này ảnh hưởng lớn đến sản lượng xuất khẩu nông sản.
Là đơn vị trực tiếp xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản ra thị trường thế giới, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết: Cơ quan chức năng của Trung Quốc đã siết chặt việc nhập khẩu không chỉ qua kênh chính ngạch mà cả đường tiểu ngạch. Phía Trung Quốc yêu cầu sản phẩm phải được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói để truy xuất nguồn gốc.
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) nhận định: Xuất khẩu nông sản từ nay đến cuối năm tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Dự báo, trong thời gian tới, thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục suy giảm, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc leo thang. Do đó, xuất khẩu nông sản sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn cũng như sự gia tăng các rào cản thương mại, nhất là từ thị trường Trung Quốc...
Để tháo gỡ những khó khăn trong xuất khẩu nông sản, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc, rất cần sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành với một hệ thống giải pháp đồng bộ. Trước mắt, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, các bộ, ban, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương sẽ phối hợp làm rõ những yêu cầu liên quan, từ đó định hướng cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này. Đồng thời, từng bước xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu bền vững cho thị trường nông sản Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Để đạt được mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2019 là 43 tỷ USD, Bộ NN&PTNT sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thị trường xuất khẩu. Cùng với đó là tập trung nâng cao giá trị ở những mặt hàng đang có thế mạnh như đồ gỗ, lâm sản; khôi phục tăng trưởng ở mặt hàng thủy sản…".
Về lâu dài Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tích cực, chủ động tìm kiếm đối tác, quảng bá sản phẩm thông qua việc tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm, từ đó tăng cường việc nắm bắt các quy định kỹ thuật và yêu cầu về kiểm dịch từ các thị trường. Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm; chuyển từ việc kiểm tra an toàn thực phẩm cuối cùng sang giám sát toàn bộ các công đoạn trong chuỗi sản xuất; đồng thời nâng cao nhận thức về sản phẩm chất lượng và an toàn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.