(HNM) - Hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống AEON (Nhật Bản) đạt 500 triệu USD trong năm 2019 và 1 tỷ USD vào năm 2025, Bộ Công Thương và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với Tập đoàn AEON tổ chức “Chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chuỗi bán lẻ của Tập đoàn AEON tại Việt Nam và Nhật Bản năm 2019-2020”. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội về chương trình này.
- Đây là năm thứ 3, thành phố Hà Nội triển khai chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chuỗi bán lẻ của Tập đoàn AEON. Bà có thể cho biết rõ hơn về chương trình này?
- Chương trình được triển khai nhằm thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020” do Bộ Công Thương triển khai từ năm 2016. Đồng thời, triển khai chương trình hợp tác do UBND thành phố Hà Nội ký kết với Tập đoàn AEON tổ chức “Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội” thường niên trong thời gian 20 năm kể từ năm 2017.
Tập đoàn AEON là một trong những nhà bán lẻ lâu đời nhất tại Nhật Bản và là một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất trên thế giới với 179 liên doanh trong, ngoài nước Nhật Bản. Việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chuỗi bán lẻ của Tập đoàn AEON tại Việt Nam và Nhật Bản năm 2019-2020 nói chung và hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp có thể xâm nhập chuỗi bán lẻ của Tập đoàn AEON Việt Nam.
Diễn ra từ ngày 10 đến 13-10 tại AEON Mall Long Biên, đây là lần đầu tiên hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp vào chuỗi bán lẻ của Tập đoàn AEON Việt Nam được diễn ra tại Hà Nội. Đây còn là cơ hội kết nối giao thương, hợp tác kinh doanh giữa các nhà cung cấp Việt Nam với Tập đoàn AEON; xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào hệ thống phân phối lớn nhất Nhật Bản, quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt trực tiếp đến người tiêu dùng Nhật Bản thông qua các chương trình “Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội” do thành phố Hà Nội tổ chức hằng năm.
Hội chợ có quy mô 80 gian hàng, trong đó có 8 gian hàng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, 25 gian hàng rau củ quả, 21 gian hàng thực phẩm chế biến đóng gói, 7 gian hàng gia vị, 9 gian hàng đồ uống, 10 gian hàng nông sản chế biến của các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nam, Hưng Yên. Dự kiến, hội chợ sẽ thu hút 50.000 lượt khách tham gia kết nối và mua sắm.
- Để được tham gia chương trình này, doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện gì, thưa bà?
- AEON là tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản và là một trong những hệ thống siêu thị tốt nhất thế giới, vì vậy, những tiêu chuẩn AEON đặt ra là rất cao. Cụ thể, các sản phẩm được lựa chọn để bày bán trên kệ hàng của AEON phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về cả chất lượng và giá với các doanh nghiệp mạnh đến từ khắp nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, để đưa được hàng vào hệ thống phân phối của AEON, các doanh nghiệp phải có sản phẩm chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận chất lượng. Bao bì đóng gói bảo đảm tính thẩm mỹ và được Ban Tổ chức duyệt trước khi trưng bày; phải đáp ứng đầy đủ các quy định của AEON về hàng hóa...
- Với những khó khăn như vậy, cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, các ngành chức năng đã có giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện đưa hàng vào hệ thống phân phối của AEON?
- Theo đánh giá của AEON, trong số gần 3.000 nhà cung cấp cho AEON Việt Nam, chỉ có 200-300 doanh nghiệp có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và kinh nghiệm xuất khẩu để đưa được hàng hóa vào AEON Nhật Bản. Vì vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cho 1.000 siêu thị AEON trên toàn cầu, Bộ Công Thương và Tập đoàn AEON Nhật Bản đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm Việt Nam vào thị trường Nhật Bản thông qua hệ thống phân phối của AEON. Qua đó, Bộ Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội phối hợp với Tập đoàn AEON xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp Việt như mở rộng sự hiện diện của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam trong toàn hệ thống. Đồng thời, xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn của AEON và thị trường Nhật Bản; hỗ trợ tiếp cận nhu cầu của người tiêu dùng Nhật và tăng cường thu mua hàng Việt Nam bán trong hệ thống tại Nhật Bản và các nước.
Thông qua việc tổ chức hội chợ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội mong muốn làm cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp, các đơn vị cung cấp sản phẩm nông nghiệp tiếp cận trực tiếp kênh bán lẻ của AEON tại Việt Nam, qua đó làm bước đệm cho việc thâm nhập hệ thống bán lẻ của AEON tại Nhật Bản và các nước.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.