(HNM) - Kết thúc 2 tháng đầu năm 2022, hoạt động xuất khẩu cả nước giữ nhịp tăng trưởng song cũng đối mặt nhiều thách thức, như tác động của xung đột trên thế giới, giá xăng dầu và dịch vụ logistics chưa “hạ nhiệt”… Để nhìn nhận rõ hơn những vấn đề nêu trên, phóng viên Báo Hànộimới đã phỏng vấn Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải.
- Ông đánh giá thế nào về kết quả hoạt động xuất khẩu cả nước 2 tháng đầu năm 2022?
- Trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nước ta ước đạt kim ngạch 57,3 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu của cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều tăng trưởng ở mức cao, lần lượt là 34,1% và 12,4%. Các mặt hàng xuất khẩu chính đóng góp cao vào tăng trưởng chung như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác ước đạt 6,8 tỷ USD, tăng 21,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 8,1 tỷ USD, tăng 11,6%.
Điểm sáng là nhóm hàng dệt may với kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 7 tỷ USD, tăng 55,4%; nhóm da giày cũng ghi nhận mức tăng 21,2%; thủy sản ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 47,2%. Đây là 3 mặt hàng chịu ảnh hưởng nặng nề của suy giảm cầu tiêu dùng do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã dần phục hồi trong năm 2021 và quay lại đà tăng trưởng ở mức cao trong năm 2022.
Năm 2022, hoạt động xuất khẩu đối diện với những thuận lợi và thách thức đan xen, tuy nhiên đã ghi nhận tăng trưởng tích cực trong hai tháng đầu năm.
- Kết quả tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ấn tượng của khu vực doanh nghiệp trong nước cho thấy điều gì, thưa ông?
- Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng 34,1% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự phục hồi của khối doanh nghiệp này. Sau hơn 2 năm hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đã có nhiều đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, tính linh hoạt và khả năng đáp ứng với những biến động của hoạt động thương mại quốc tế cũng tốt hơn. Các doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ nhu cầu hàng hóa hồi phục để đẩy mạnh xuất khẩu, cũng như tận dụng hiệu quả hơn ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do.
Bên cạnh đó, tăng trưởng xuất khẩu cũng đồng đều hơn ở các nhóm hàng và có sự chuyển dịch sang các nhóm hàng có hàm lượng chế biến cao.
- Ông đánh giá thế nào về những tác động, như xung đột chính trị, quân sự trên thế giới hay giá nguyên, nhiên liệu tăng… với hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta thời gian tới?
- Ở phạm vi toàn cầu, cuộc xung đột Nga - Ukraine cùng những khó khăn do dịch bệnh đang làm đứt gãy nguồn cung của một số mặt hàng vật tư chiến lược như xăng, dầu, khí đốt, lương thực, thực phẩm; đồng thời làm đứt gãy chuỗi lưu thông hàng hóa, logistics. Một số mặt hàng chiến lược tăng giá, kéo theo chi phí đầu vào tăng cao. Cùng với đó, lạm phát toàn cầu tăng làm cho tiêu dùng của thế giới vốn đã yếu ớt sau đại dịch nay càng khó khăn hơn.
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga là 3,2 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu từ Nga là 2,3 tỷ USD. Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu với Nga khá khiêm tốn nhưng đối với một số ngành thì Nga vẫn là thị trường quan trọng. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Nga nhiều là thủy sản, cà phê, hàng dệt may, giày dép, điện thoại (riêng mặt hàng này có kim ngạch hơn 1 tỷ USD), sản phẩm điện tử, rau quả, hạt điều, cao su. Trong số các mặt hàng nhập khẩu có những mặt hàng cần thiết cho sản xuất như than đá, sắt thép, phân bón.
Ngoài ra còn phải kể đến những tác động do các biện pháp cấm vận của phương Tây đối với Nga có thể phần nào làm giảm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, khi các hãng nước ngoài đặt gia công, sản xuất tại Việt Nam có thể không tiếp tục đưa hàng sang Nga.
- Bộ Công Thương có những giải pháp gì để cùng cộng đồng doanh nghiệp khắc phục khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng thời gian tới, thưa ông?
- Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các hiệp hội ngành hàng đề xuất giải pháp khôi phục sản xuất, xuất khẩu; đặc biệt tập trung tháo gỡ vướng mắc trong quá trình tổ chức lại sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để rút ngắn thời gian phục hồi. Bộ tiếp tục khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa cho sản xuất, xuất khẩu; giảm chi phí logistics; điều tiết thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới…
Bên cạnh đó, Bộ đang chủ động theo sát tình hình thế giới để tham mưu, đề xuất các biện pháp điều hành và có khuyến cáo phù hợp cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Bộ rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón, xăng, dầu, than... để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và thúc đẩy sản xuất trong nước thay thế cho nhập khẩu, qua đó giảm áp lực, lành mạnh hóa cán cân thương mại.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.