Kinh tế

Xuất khẩu đối diện nhiều thách thức

Lam Giang 18/07/2023 - 06:55

Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cả nước đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022. Điều này đặt ra không ít thách thức cần vượt qua trong nửa cuối năm để đạt mốc tăng trưởng xuất khẩu 6% cả năm 2023.

san-xuat-hang-may-mac-xuat-.jpg
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10 - CTCP. Ảnh: Viết Thành

Xuất khẩu phục hồi gần 88%

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông thông tin, 6 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 164,45 tỷ USD, đã phục hồi 87,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, xuất khẩu rau quả và gạo là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu gạo tăng 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu rau quả tăng 64,2%. Một số thị trường xuất khẩu phục hồi khả quan về gần mức cùng kỳ năm trước, như: Ấn Độ (95,7%), Nhật Bản (96,7%), Trung Quốc (97,8%). Đáng chú ý, một số thị trường mới ghi nhận mức tăng trưởng cao như Argentina (tăng 35% so với cùng kỳ), Saudi Arabia (tăng 67%), Algeria (tăng 91%).

Tuy nhiên, thực tế là kim ngạch xuất khẩu 6 tháng giảm 12,1% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ giảm 22,6%; Liên minh châu Âu (EU) giảm 10,1%; Hàn Quốc giảm 10,2%; các nước Đông Nam Á (ASEAN) giảm 8,7%... Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo đều giảm, trong đó có những mặt hàng chủ lực, như: Dệt may giảm 15,3%; giày dép các loại giảm 15,2%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 17,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,8%, phân bón các loại giảm 45,6%...

Với ngành Dệt may, các nhà mua hàng vẫn trong tình trạng nghe ngóng, đợi phản ứng của thị trường nên đơn hàng nhỏ lẻ, thời gian giao hàng gấp. “Có doanh nghiệp lớn, quy mô hàng nghìn lao động, nhưng phải nhận đơn hàng chỉ 500 đến vài nghìn sản phẩm. Nhiều đơn hàng giá gia công giảm tới 50% nhưng vẫn phải làm để duy trì sản xuất”, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu ngành gỗ, các nhà nhập khẩu cũng chia nhỏ đơn hàng thay vì đặt hàng cả năm như trước. Ông Trần Duy Đông lý giải, nguyên nhân quan trọng nhất là do giảm tổng cầu và tăng cạnh tranh giữa các nước có cơ cấu hàng xuất khẩu tương đồng. Các tập đoàn đa quốc gia đang chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất, khiến cho đơn hàng ít đi. Nhiều nhà máy mới được đầu tư ở Ấn Độ, Mexico, Brazil… làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của hàng Việt Nam.

Trợ lực nào cho doanh nghiệp xuất khẩu?

Theo đại diện Bộ Công Thương, dự báo tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh toàn cầu tiếp tục diễn biến khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khủng hoảng năng lương, lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu còn tiếp diễn… Bối cảnh đó ảnh hưởng lớn tới kinh tế, thương mại của Việt Nam. Chặng đường về đích của xuất khẩu nửa cuối năm vì thế vẫn rất gập ghềnh, cần nhiều trợ lực cho doanh nghiệp.

Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu dự báo, những tháng cuối năm 2023, ngành Dệt may Việt Nam vẫn thiếu hụt đơn hàng. Vì vậy, Vinatex tiếp tục linh hoạt ứng phó, thường xuyên cập nhật tình hình thị trường, ưu tiên bảo toàn nguồn nhân lực để đón cơ hội thị trường phục hồi; tiếp tục đầu tư theo hướng xanh hóa ngành dệt may…

Còn Giám đốc Công ty TNHH Nhựa quốc tế Anh Tú Phạm Thành Trung thông tin, lượng hàng tồn kho tại các thị trường giảm dần, các nhà mua hàng có xu hướng quay lại tìm hiểu thị trường, đặt hàng cho mùa mua sắm cuối năm. “Để đón đầu cơ hội, chúng tôi đưa ra nhiều mẫu mã mới, nâng cao năng lực sản xuất và tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kỳ vọng đạt tăng trưởng 20-30% vào cuối năm, nhất là tại các thị trường Australia, Hoa Kỳ, Canada”, ông Phạm Thành Trung nói.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng cho hay, thương vụ sẽ tiếp tục nắm bắt và thông tin tình hình thị trường; khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu theo hướng bền vững, kinh tế tuần hoàn; tổ chức các hoạt động kết nối giao thương tại thị trường Hoa Kỳ; xúc tiến để tiếp tục đưa trái cây Việt Nam như xoài, nhãn, vải, thanh long… chinh phục thị trường này.

Thời gian tới, từ góc độ cơ quan quản lý, Bộ Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất nhập khẩu, kiến nghị những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu; triển khai đồng bộ các chương trình trong chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đến năm 2030 và chiến lược phát triển một số mặt hàng chủ lực.

Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục sẽ đẩy mạnh xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín và công bố các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam. Việc tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại cũng được chú trọng; đồng thời, sớm hoàn tất các thủ tục để ký kết hiệp định thương mại tự do với Israel; đẩy nhanh đàm phán ký kết hiệp định thương mại với các thị trường tiềm năng ở Tây Á, Nam Mỹ…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu đối diện nhiều thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.