Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động trong phòng vệ thương mại: ''Chìa khóa'' thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu

Lam Giang| 17/09/2022 05:30

(HNM) - Là nền kinh tế có độ mở lớn, đã tham gia ký kết 15 hiệp định thương mại tự do, đồng thời thuộc nhóm 20 nước hàng đầu về thương mại quốc tế, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức từ những biện pháp phòng vệ thương mại. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động trong phòng vệ thương mại bởi đây là “chìa khóa” hữu hiệu để bảo vệ sản xuất trong nước, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng nhanh và bền vững hơn.

Các cơ quan chức năng đã hướng dẫn, tư vấn pháp lý để doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc được hưởng mức thuế thấp. Trong ảnh: Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Đông Dương (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Đỗ Tâm

Gia tăng các vụ việc phòng vệ thương mại

Với việc ký kết 15 hiệp định thương mại tự do, Việt Nam trở thành nền kinh tế có độ mở lớn và tham gia ngày càng sâu rộng vào thị trường thế giới. Năm 2021, Việt Nam lọt vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu gần 670 tỷ USD. Tuy nhiên, quy mô xuất khẩu càng lớn càng dễ trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại. Trên thực tế, phòng vệ thương mại là “van an toàn” đang được nhiều quốc gia sử dụng nhằm bảo vệ sản xuất trong nước trước sự gia tăng của hàng hóa nhập khẩu.

Theo Bộ Công Thương, đến hết tháng 7-2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 220 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Trong đó, tính từ năm 2011 đến nay là 173 vụ, chiếm tỷ lệ 78%. Các mặt hàng bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại gồm sắt, thép, pin năng lượng mặt trời, mật ong, đồ gỗ... Ngược lại, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 25 vụ việc phòng vệ thương mại với các mặt hàng nhập khẩu như thép, nhôm thanh định hình, vật liệu hàn, phân bón, ván gỗ, sợi, đường...

Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam Đinh Quyết Tâm cho biết, sau hơn 30 năm xuất khẩu sang Mỹ, tháng 5-2021, Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá với mật ong của Việt Nam. Sự việc này đã gây nhiều khó khăn cho ngành nuôi ong trong nước bởi hơn 90% sản lượng mật ong Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ (khoảng 50.000 tấn năm 2020). Tuy nhiên, đến nay, với sự vào cuộc của cơ quan chức năng và các doanh nghiệp, Mỹ đã giảm thuế chống bán phá giá với mật ong Việt Nam xuống gần 7 lần, còn 58,74%-61,27%. Hiện, mật ong tiếp tục được xuất khẩu mạnh sang Mỹ, duy trì sinh kế của gần 4 vạn người.

Các chuyên gia nhận định, năng lực sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển, đủ sức cạnh tranh và gây sức ép với ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu, khiến các nền kinh tế gia tăng hàng rào bảo hộ sản xuất trong nước. Vì vậy, thời gian tới sẽ xuất hiện ngày càng nhiều các vụ việc tương tự với tính chất phức tạp hơn, đồng thời mọi hàng hóa xuất khẩu đều có thể bị kiện phòng vệ thương mại.

“Phòng vệ thương mại đã trở thành xu hướng và chiến lược song hành với mở cửa hội nhập của mỗi quốc gia. Vì vậy, chiến lược của chúng ta là coi phòng vệ thương mại như một điều tất yếu của quá trình hội nhập; cần bình tĩnh, ứng phó hiệu quả để không cản trở quá nhiều đến tăng trưởng xuất khẩu”, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Phạm Châu Giang nhấn mạnh.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (tỉnh An Giang). Ảnh: Vũ Sinh

Chủ động từ nhận thức của doanh nghiệp

Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng cho biết, thời gian qua Bộ Công Thương đã chủ động cảnh báo sớm nguy cơ về phòng vệ thương mại, cung cấp thông tin cập nhật, giúp doanh nghiệp xây dựng kế hoạch xử lý. Hiện, Bộ Công Thương đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 nhóm mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo đến doanh nghiệp và các bên liên quan khác; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như triển khai các đề án lớn về phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, Bộ đẩy mạnh tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể, tạo “tấm khiên” để các doanh nghiệp “sống chung” với phòng vệ thương mại… Nhờ đó, Việt Nam đã đạt kết quả tích cực trong nhiều vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu (như tôm, cá tra, cá basa, thép, ván gỗ MDF…) không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc được hưởng mức thuế thấp, góp phần duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canada... Bên cạnh đó, các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng nhập khẩu hiện đang bảo vệ các ngành sản xuất trong nước chiếm đến 10,27% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.

Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, sau những vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam thời gian qua, ngày càng nhiều doanh nghiệp, ngành hàng có ý thức hơn về vấn đề này. Nhiều doanh nghiệp đã sớm thích ứng, nhận diện các thách thức, chuẩn bị phương án, giải pháp với quan điểm chủ động ứng phó. Song, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu, tránh tập trung khối lượng lớn vào một thị trường, có thể tạo cơ sở để các nước khởi kiện. Đồng thời, cần phát triển các chuỗi cung ứng, nguồn nguyên liệu trong nước, giảm thiểu các tác động tiêu cực do những biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu.

Trong khi đó, luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh (thành phố Hà Nội) cho rằng, doanh nghiệp phải liên tục cập nhật chính sách, thủ tục, quy định và thông lệ quốc tế liên quan tới phòng vệ thương mại. “Trong trường hợp trở thành đối tượng của các vụ kiện, doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị hồ sơ, dữ liệu, hợp tác với cơ quan điều tra để chứng minh mình không bán phá giá, không nhận trợ cấp”, luật sư Phạm Thành Tài nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động trong phòng vệ thương mại: ''Chìa khóa'' thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.