(HNM) - Một mùa xuân mới no ấm nữa lại về trên những bản làng vùng cao Thạch Thất, Ba Vì. Những thanh âm cồng chiêng linh thiêng của người Mường, những nghi lễ, điệu múa bí ẩn trong Tết nhảy của người Dao, những món ăn đậm hương vị núi rừng... khiến bất cứ ai khi đến đây cũng say lòng.
1. Con đường tỉnh lộ chạy từ xã Tiến Xuân, qua Yên Bình đến Yên Trung (huyện Thạch Thất) rộng thênh thang. Trong nắng mới, cờ Đảng, cờ Tổ quốc phấp phới bay, băng rôn khẩu hiệu mừng Đảng, mừng Xuân được treo ở những nơi trang trọng như trụ sở UBND xã, trường học, nhà văn hóa các bản làng, trên các con đường vào xóm ngõ... Không khí xuân tràn ngập khắp nơi nơi. Trung tâm văn hóa ở các xã nhộn nhịp các trò chơi truyền thống quen thuộc như đu quay, ném còn, bóng chuyền, đẩy gậy... Một nét văn hóa đặc sắc và chiếm vị trí quan trọng nhất trong đời sống tâm linh của người Mường phải kể khi Tết đến Xuân về là nghi lễ cồng chiêng.
Bí thư Đảng ủy xã Yên Trung Hoàng Phương, một người am hiểu tường tận về văn hóa cồng chiêng cho biết, trước đây hầu như gia đình nào cũng có trong nhà một bộ cồng chiêng để chơi trong dịp lễ, Tết. "Ít nhất cũng phải có một chiếc, đủ bộ thường là 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong năm". Trong nghi lễ cồng chiêng quan trọng nhất là lúc đón Giao thừa, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Theo quan niệm của người Mường, cồng chiêng là "linh khí" - công cụ kết nối giữa ông bà tổ tiên ở Mường trời với con cháu. Khi nghi lễ "phường bùa" cất lên tiếng "pình pong pình pong..." cũng là lúc phường hát "Sắc bùa" với những người uy tín trong làng đi đến từng gia đình chúc Tết gia chủ năm mới mạnh khỏe, lúa đầy bồ, đầy nương, trâu bò đầy chuồng, bản làng yên vui, no ấm. Những điệu hát người Mường thường cất lên khi chúc Tết: "Nay mừng trong họ kẻ no người đủ vui thú thái bình; trên tôi mừng người được ngọn đền trúc nở xinh xinh; dưới tôi mừng người được mọi tài mọi có...". Cũng có những điệu giản dị, dễ thuộc, dễ nhớ: Sắc bùa là hiệu; xưa thầy dạy biểu; hết năm bảy ngày; sắc hết đông tây; đêm bùa trừ tịch; khai phương khai tịch; sát quỷ trừ tà; mừng rước xuân qua; cho nhà hưng thịnh...
Đời sống về vật chất lẫn tinh thần của đồng bào dân tộc Mường ở Ba Vì ngày càng được nâng cao. Ảnh: Hồng Đạt |
Ở xứ Mường Yên Trung nghi lễ đánh cồng chiêng xuất hiện trong đêm Giao thừa, suốt 7 ngày Tết và trong dịp hội làng, hội bản đầu năm. Ông Hoàng Phương cho biết, thời gian gần đây, việc khôi phục nghệ thuật cồng chiêng truyền thống được UBND huyện Thạch Thất quan tâm và đã mua bộ chiêng cho các thôn, đầu tư trang phục, mở lớp tập huấn cho hàng trăm người ở xã Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân về lối hát, lối diễn xướng và bảo lưu các bài hát cổ. Vì thế mỗi khi xuân về đến thăm bản Mường, được nghe những thanh âm cồng chiêng rộn rã, linh thiêng âm vang núi rừng đã mang lại cho chúng tôi một cảm giác gần gũi, yên bình trong dịp đầu năm.
Ngoài nghi lễ cồng chiêng, ở một số xứ Mường cao như Yên Bình, Tiến Xuân (Thạch Thất)... sau lễ cúng trong đêm Giao thừa, người dân thường ra suối gánh nước cầu may. Người Mường ở xã Yên Trung lại có tập tục lấy nước giếng làng vào sáng sớm mùng Một Tết về cúng và vẩy trong nhà cầu cho năm mới mọi sự an lành.
Tại bản Mường Khánh Chúc Đồi (xã Khánh Thượng - huyện Ba Vì) hằng năm đều tổ chức hội làng vào rằm tháng Giêng. Vì vậy, từ trước (khoảng 20 tháng Chạp) đến những ngày trong Tết, người dân nơi đây tập trung dọn dẹp, trang hoàng đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, tươm tất. Đình làng Khánh Chúc Đồi là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của dân làng được các cụ cao niên sắm sửa lễ vật, sắp xếp, lau chùi đồ thờ từ trước Tết để chuẩn bị cho lễ rước Thành hoàng làng diễn ra trang trọng vào đúng ngày rằm tháng Giêng. Ông Đinh Đại Thắng, Trưởng bản Khánh Chúc Đồi cho biết: "Năm nào dân làng cũng tổ chức hội làng trang trọng. Con cháu của làng đi công tác ở khắp nơi, dịp này đều trở về khấn lễ tổ tiên, bái Thành hoàng làng cầu mong một năm bình an, công việc gặp nhiều may mắn". Để chuẩn bị cho phần hội, trước sân đình Khánh Chúc Đồi dân làng đã treo cờ, dựng cây còn, làm sân bóng chuyền, sân đẩy gậy, bắn nỏ... Đội cồng chiêng của bản làng đã biểu diễn liên tục trong đêm Giao thừa, những ngày Tết và đang gấp rút chuẩn bị điệu hát, điệu múa biểu diễn ở hội làng sắp tới. Ông Thắng cho biết, hội làng với người Mường có ý nghĩa đặc biệt, trong những ngày này, đồng bào Mường sẽ mặc trang phục truyền thống và tham gia những trò chơi mang đậm bản sắc dân tộc như: Ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ, chọi gà, kéo co, đánh mảng... và hát múa cồng chiêng để ước mong năm mới no đủ, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân bản hạnh phúc, bình yên.
2. Quan niệm truyền thống của người Mường ở Thạch Thất và Ba Vì, tết Nguyên đán không bắt đầu vào ngày ông Công, ông Táo như người Kinh, ngày xuân bắt đầu từ 27 tháng Chạp. Theo ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì): "Từ ngày này, chợ Tết được mở ra với đủ mặt hàng phục vụ người dân vùng cao, trong đó phổ biến là các loại nông sản do chính người Mường làm ra". Tìm hiểu về phong tục ăn Tết của người Mường, chúng tôi ấn tượng nhất với phong cách ẩm thực. Tết đến, mỗi gia đình hoặc một số gia đình chung nhau mổ một con lợn, dù to hay nhỏ để làm cỗ mời anh em, bạn bè, hàng xóm chung vui. Anh Nguyễn Văn Thanh (xã Khánh Thượng) cho biết: "Ngày Tết các gia đình phải thịt lợn hoặc "đụng" lợn chứ không mua, như vậy mới thể hiện được sự đoàn kết, sum họp của các gia đình, lại vừa thể hiện một năm làm ăn phát đạt". Ngoài những món thông thường như bánh chưng xanh, dưa hành, thịt lợn, giò, chả... thì đối với người Mường mâm cỗ không thể thiếu cá đồ, bánh chéo kheo, nem chua hun, bánh dợm, bánh gai, bánh mật... Quy trình làm những món ăn cũng rất đặc biệt, như món nem chua được làm bằng thịt lợn nạc trộn với muối trắng rang phồng, giã nát và thính gạo, sau 3 ngày là có thể ăn được. Cùng với nem chua, rượu là một sản vật không thể thiếu trong ẩm thực ngày Tết của người Mường. Rượu được nấu cầu kỳ, nếp nương tự trồng và men rượu phải do những gia đình có kinh nghiệm trong thôn chế biến.
Một đặc trưng ẩm thực nữa của người Mường trong ngày Tết là bày cỗ trên lá chuối - thường gọi là cỗ lá. Hiện nay, phong tục này thường được tổ chức trong dịp hội làng người Mường hoặc trong các gia đình khi Tết đến Xuân về. Để có một mâm cỗ đúng truyền thống dâng lên Thành hoàng làng hoặc ông bà tổ tiên, lá chuối được dân làng chọn lựa và cắt từ nhiều ngày trước, phải là lá chuối ngọn, đẹp, xanh non. Đến ngày khao cỗ, dân làng chế biến đủ các món ăn đặt trên lá từ con lợn được mổ trong ngày hôm đó. Muối nướng hạt dổi là gia vị không thể thiếu trong mâm cỗ lá. Theo anh Nguyễn Văn Thanh, ăn cỗ lá truyền thống là dịp vui nhất trong năm của dân làng. "Vào ngày này con cháu các dòng họ người Mường trong làng dù đi đâu xa cũng quy tụ về chung vui".
Rời những bản làng người Mường, người Dao sinh sống dưới chân núi thiêng Ba Vì, chúng tôi cảm nhận một không khí ấm áp căng tràn của mùa xuân đang về với mỗi con người nơi đây. Với những gì đã, đang đổi thay ở nơi rẻo cao này, những bản làng sẽ thêm trù phú, yên vui trong năm mới Bính Thân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.