(HNM) - Về Tân Trào giữa tiết trời se lạnh, trong bảng lảng sương khói, ngắm nếp nhà sàn yên bình nơi "phố núi" dễ khiến lòng người có nhiều cảm nhận đặc biệt. Chút lắng lòng vẳng vang câu hát "Sông Lô chiều cuối năm, ai tìm về bên ai, ta tìm về bên em. Qua bến Bình Ca đứng lặng! Cây đào ngày Tết sắp ra hoa...".
Chút ngẩn ngơ trước vẻ đẹp cổ kính của ngôi đình Tân Trào; chút háo hức khi bắt gặp nhịp sống tươi mới ở làng văn hóa Tân Lập, rồi xốn xang trước sắc đỏ cờ - bừng lên trong nắng xuân.
Những câu chuyện đã đi vào lịch sử…
Biết tôi làm mảng văn hóa, đồng nghiệp Báo Tuyên Quang mời về dự Lễ hội Cầu Mùa đình Tân Trào (tổ chức vào ngày đầu xuân) - một lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày vùng chiến khu cách mạng. Không khí ngày hội qua lời đồng nghiệp kể thật rộn ràng, cuốn hút. Phần lễ được thực hiện quy mô và trang trọng theo các bước rước mâm lễ vào đình và dâng hương. Tám mâm cỗ được 8 chàng trai khỏe mạnh bưng vào đình để làm lễ. Khi các mâm lễ được rước đến, tiếng trống, tiếng chiêng vang lên rộn rã, du khách thập phương và nhân dân 3 thôn Tân Lập, Lũng Búng, Mỏ Ché cùng dâng hương bày tỏ lòng biết ơn vị Thành hoàng làng, 8 vị Đại vương và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà yên lành, hạnh phúc, người người khỏe mạnh... Bất giác tôi bồi hồi nhớ chuyến du khảo về Thủ đô Khu giải phóng mới đây và cả những câu chuyện kể chỉ riêng có ở Tân Trào huyện Sơn Dương.
Hướng dẫn viên giới thiệu Di tích lịch sử Nà Lừa, Tân Trào. |
Tảng đá thề - nơi thường để mâm xôi cúng tế trước cửa đình ấm khói hương của du khách khắp nơi nguyện cầu. Thắp nén nhang thơm, chúng tôi đứng lặng dưới mái đình cổ kính dưới những tán cây cao vút, mướt xanh. Thật vui khi bắt gặp hình ảnh hàng trăm học sinh Trường THCS Tân Trào vây quanh người cựu chiến binh già nghe kể chuyện lịch sử. Giọng người cựu chiến binh trầm ấm lắng trong câu chuyện về Bác Hồ bên dòng suối Khuôn Pén trong giờ phút lịch sử tại Đại hội Quốc dân cách nay 67 năm thật xúc động. Sáng ấy, 17-8-1945, sau một ngày Quốc dân Đại hội khai mạc dưới mái đình Tân Trào, trời mưa, đường lầy lội nên Bác phải đi chân đất từ lán Nà Lừa tới. Khi tới nơi, Bác xuống suối Khuôn Pén rửa chân. Sau đó, Bác đi lên, đứng bên tảng đá trước cửa đình đọc lời tuyên thệ: "Chúng tôi, những người do Quốc dân Đại hội bầu vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên; ra sức chống quân thù, giành độc lập cho Tổ quốc. Dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước! Xin thề! Xin thề! Xin thề!"… Câu chuyện chưa dứt tôi nhìn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên nhiều gương mặt. Áp má vào cột đình, Phạm Thanh Hoài Bão, thành viên của đoàn lữ hành Bắc - Trung - Nam, chia sẻ: Là người phương Nam, nên em chỉ biết Tân Trào qua sách, báo. Nay được đứng dưới mái đình, được nghe chính người nơi đây kể chuyện lịch sử, em thấy thật tự hào và sẽ không bao giờ quên, không được phép quên nơi cội nguồn cách mạng. Để niềm tự hào này được nhân lên, ngay trong những ngày xuân em sẽ giới thiệu, kết nối tour du lịch thăm chiến khu tới nhiều du khách, nhất là với người dân phương Nam để mọi người hiểu hơn về lịch sử đất nước, góp phần giữ gìn truyền thống và niềm tự hào cách mạng cho thế hệ sau.
Đường từ đình Tân Trào dẫn vào nơi Bác ở và làm việc - lán Nà Lừa, thật đẹp. Qua rừng nứa xanh mướt, ngôi lán đơn sơ, lợp lá, vách liếp hiện ra. Cả đoàn chúng tôi đứng lặng trước hiện vật mộc mạc, đơn sơ gắn liền với những ngày tháng Bác Hồ sống và làm việc ở đây. Cán bộ Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào đã giúp chúng tôi chuẩn bị bó hoa huệ và mâm trái cây ba miền dâng Bác. Thành kính thắp nén nhang, lặng yên nghe hướng dẫn viên giới thiệu: … Nơi đây, Bác Hồ của chúng ta đã sống và làm việc trong những ngày Tiền khởi nghĩa. Lán Nà Lừa có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, còn gian ngoài để Bác làm việc, tiếp khách… Cũng tại lán Nà Lừa, trong những ngày nước sôi, lửa bỏng của cách mạng, Bác Hồ của chúng ta ốm rất nặng. Vào đêm mệt nặng nhất, tưởng chừng không qua khỏi, Bác đã nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: "Lúc này thời cơ nghìn năm đã đến, dù hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập"… Và tôi lại thấy, những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt nhiều người. Thật khó để diễn tả cảm xúc của mình khi đứng trước di tích lịch sử lán Nà Lừa.
Trước khi vào thăm làng văn hóa Tân Lập, trở lại bên gốc đa Tân Trào được nghe câu chuyện kể về lễ xuất quân của Đội Tuyên truyền Việt Nam giải phóng quân chiều 16-8-1945 lòng chúng tôi náo nức lạ thường. Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 trước toàn quân như hiện ra; và tôi chợt cảm thấy những mầm xanh từ thân cây đa lịch sử hơn 300 năm tuổi đang tách lớp vỏ sần sùi để vươn ra ánh sáng - hòa cùng nhịp sống với sáu cây đa nhỏ được trồng xung quanh đã vươn cành, bám rễ vào thân đa lớn, tạo nên khí thế mạnh mẽ như đoàn quân giải phóng ngày nào.
…và Tân Trào hôm nay
Ông Hoàng Như Loan, Giám đốc Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào kể rằng, chỉ cách nay mấy năm, để đến được Tân Trào phải mất nửa ngày xắn quần, vật lộn với quãng đường lầy lội thì nay đường đã trải nhựa, các điểm di tích lịch sử cũng đã được kết nối với nhau bằng đường bê tông phẳng lỳ. Tân Trào còn có khu chợ trung tâm lớn nhất, nhì tỉnh Tuyên Quang. Trung tâm xã có cả nhà hàng, khách sạn, dịch vụ internet đã về tới nhiều nóc nhà. Đưa chúng tôi thăm làng văn hóa Tân Lập - khu "phố núi" yên bình với mấy chục ngôi nhà sàn kiên cố, Chủ tịch xã Viên Tiến Thăng khoe rất khéo, dưới nếp nhà sàn, nhiều bà con đã tậu về máy cày, bừa, máy xay xát gạo làm dịch vụ, nhưng đường ngõ vẫn sạch, thoáng, bởi chúng tôi đang xây dựng nông thôn mới. Ở đây người dân rất tự giác bảo vệ những thành quả mà mình xây dựng được. Bằng sức dân, những con đường lầy lội, gồ ghề đã được thay bằng đường nhựa, đường bê tông vào tận từng ngôi nhà. Xã có 4 làng văn hóa đều có thư viện, sân vận động. "Có sức người sỏi đá cũng thành cơm" - người Tân Trào hiểu rất rõ câu ca đó, bởi thế họ mới chịu thương, chịu khó cùng đồng lòng đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, như vùng chuyên nuôi thủy sản rộng gần 200ha; vùng chuyên canh lúa nếp, cà chua cho năng suất, chất lượng cao; hình thành gần 100 gia trại chăn nuôi kết hợp nuôi trồng thủy sản… đem lại giá trị thu nhập đạt hơn 85 triệu đồng/ha/năm. Hiện toàn xã chỉ còn 2 hộ nghèo, gần 200 gia đình có nhà mái bằng, 60% số hộ có xe máy...
Bây giờ, ngoài làm nông nghiệp, người dân trong xã đã làm thêm dịch vụ du lịch. Các cô gái dân tộc Tày, Nùng, Dao… còn tạo ra những món đồ lưu niệm rất độc đáo, riêng có của dân tộc mình như áo, khăn dệt thổ cẩm, hàng mây tre đan phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Những gia đình có nhà sàn thì sửa sang nhà cửa, đón khách ngủ trọ. Chị Hoàng Thị Nhạc, thôn Tân Lập cho biết, ngoài ruộng vườn mỗi ngày chị có thêm 100 ngàn đồng tiền lãi từ việc bán ống cơm lam cho du khách, cuộc sống nhờ đó cũng đỡ vất vả hơn. "Hiện nay, ở Tân Trào từ trẻ em đến người già đều biết làm dịch vụ du lịch, nhưng dù phát triển, năng động đến đâu thì người dân quê tôi vẫn rất coi trọng truyền thống!" - Chủ tịch xã Viên Tiến Thăng tự hào khoe với khách.
Tới thăm ngôi nhà sàn của cụ Nguyễn Tiến Sự, nơi Bác Hồ đã ở và làm việc những ngày đầu khi Người trở về từ Pác Bó (Cao Bằng), chúng tôi được anh Nguyễn Văn Bế, cháu đích tôn cụ Sự cho biết, ngôi nhà lịch sử này đã được ngành văn hóa tỉnh đầu tư tu sửa, bây giờ ngoài chăm lo việc nhà nông, vợ chồng anh còn làm du lịch. Công việc mà chúng tôi quan tâm nhất là giáo dục truyền thống quê hương trong căn nhà lịch sử này cho thế hệ trẻ và không quên pha trà, kể lại những câu chuyện về Bác Hồ còn lưu mãi trong ký ức mình cho du khách thập phương.
Ngôi nhà sàn lịch sử của gia đình cụ Hoàng Trung Dân - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng ở và làm việc 3 tháng cũng trở thành địa chỉ tham quan. Ngôi nhà giờ do vợ chồng anh Hoàng Văn Nhiên, cháu cụ Dân quản lý, mở một bếp ăn nhỏ vừa phục vụ vừa giới thiệu với du khách những món ăn truyền thống của vùng quê Tân Trào. Bà Nông Thị Thu, con dâu cụ Dân cũng góp vui với chúng tôi bằng câu chuyện giữ gìn truyền thống, giữ nếp nhà mà bà vẫn nhắc nhở con cháu hằng ngày, ấy là: "Xưa, cha mẹ chỉ có khoai sắn và măng rừng mà nuôi các con thành người. Nay nhà ta đã là điểm đến tham quan của nhiều người, các con phải thấy đó là niềm tự hào để nỗ lực hơn nhiều lần so với bà con trong bản".
Quả đúng như những gì Chủ tịch xã Viên Tiến Thăng đã khoe. Cách làm du lịch của người dân nơi đây bình dị như cuộc sống của chính họ. Có lẽ vì thế mà khi rời Tân Trào, những ấn tượng về quê hương cách mạng còn lưu mãi trong mỗi chúng tôi, để rồi trong mùa xuân mới này chúng tôi lại thầm cầu mong những ước mơ của người dân Tân Trào và cả những dự định của tỉnh Tuyên Quang về một quy hoạch tổng thể cho Khu du lịch lịch sử - văn hóa và sinh thái Tân Trào rộng hơn 40ha với tổng kinh phí đầu tư hơn 516 tỷ đồng sẽ sớm thành hiện thực, mang lại sức sống mới cho quê hương cách mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.