(HNM) - Ngày 24-5, UBND thành phố đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5). Tại hội nghị, các ý kiến cho rằng, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay đã mang lại hiệu quả rõ nét,
Đoàn công tác liên ngành kiểm tra đột xuất tại Nhà ăn A1-5 (số 15 phố Tạ Quang Bửu) quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Dương Ngọc |
Xử phạt nghiêm minh, kịp thời
Theo báo cáo kết quả triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017, toàn thành phố đã thành lập 657 đoàn thanh, kiểm tra, trong đó thành phố có 13 đoàn; quận, huyện, thị xã 60 đoàn và xã, phường, thị trấn 584 đoàn. Qua kiểm tra hơn 22.300 cơ sở (tăng hơn 450 cơ sở so với năm 2016), có 18.400 cơ sở đạt tiêu chuẩn, chiếm 82,4%. Số cơ sở vi phạm là 3.587, trong đó có 1.236 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính, giảm 97 cơ sở so với cùng kỳ năm 2016, với số tiền phạt hơn 5,3 tỷ đồng. Kết quả xét nghiệm nhanh cho thấy, có 16.743/19.781 mẫu thực phẩm bảo đảm an toàn, chiếm 84,7%.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã triển khai đầy đủ, đúng với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn, kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu” mà Tháng hành động vì an toàn thực phẩm đề ra. Công tác thanh, kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được tiến hành đồng loạt, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các đoàn, hạn chế tối đa sự chồng chéo, xử phạt nghiêm minh, kịp thời. Lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng trực tiếp đi kiểm tra các cơ sở, chỉ đạo xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
“Trước khi diễn ra Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Hà Nội đã xảy ra 29 trường hợp ngộ độc rượu methanol. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, trên địa bàn toàn thành phố không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, không có ca ngộ độc rượu” - ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Chu Xuân Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, việc kiểm soát thực phẩm tươi sống, nhất là kinh doanh rượu thủ công, rượu pha chế còn gặp nhiều khó khăn. Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ số lượng lớn rượu nấu thủ công không nguồn gốc. Qua kiểm tra còn phát hiện nhiều hộ bán rượu không đăng ký kinh doanh, không có giấy phép sản xuất rượu, men rượu không bảo đảm an toàn, quá trình nấu rượu không tuân thủ đúng quy chuẩn…
Đồng quan điểm trên, Thượng tá Phùng Quang Hiển, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường (Công an TP Hà Nội) cho biết, qua điều tra gần 5.000 cơ sở sản xuất rượu, chỉ có 5 cơ sở có giấy phép kinh doanh. Do đó, cơ quan chức năng của thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền, đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công, đồng thời phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong việc tố giác cơ sở vi phạm.
Ngoài ra, việc thiếu kho bảo quản tang vật vi phạm cũng gây khó cho công tác xử lý vi phạm. Vì vậy, mỗi quận, huyện, thị xã cần bố trí kho bảo quản tang vật thu giữ trong quá trình thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm để đáp ứng được yêu cầu. “Bộ luật Hình sự năm 1999, tại Điều 244 quy định, hình phạt thấp nhất là 1 năm tù, cao nhất là 15 năm tù cho tội vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, tình tiết như thế nào là gây thiệt hại nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng chưa được cụ thể hóa. Vì vậy, việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm hiện nay chủ yếu là xử phạt hành chính” - Thượng tá Phùng Quang Hiển cho hay.
Quá trình bền bỉ và lâu dài
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đánh giá, Hà Nội là một trong những địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, kế hoạch của trung ương đề ra trong vấn đề quản lý an toàn thực phẩm. Ông Phong đồng tình với các kiến nghị của Hà Nội về việc cần sớm hoàn thiện, thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) để có chế tài đủ răn đe đối với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hà Nội, kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm.
Phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ghi nhận sự cố gắng của các cấp, các ngành và địa phương trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm thời gian qua. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho rằng, trước những kết quả đã đạt được các cấp, các ngành không được chủ quan. Dù Tháng hành động vì an toàn thực phẩm đã kết thúc nhưng các sở, ban, ngành, các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức và công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm, bởi đây là việc làm lâu dài, bền bỉ, cần sự vào cuộc kiên trì. Ngoài việc khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, tới đây, thành phố sẽ khen thưởng cả những công dân phát hiện, tố giác những cơ sở vi phạm.
Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017 có 32 tập thể, 32 cá nhân xuất sắc được tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội. Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thời gian tới, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tập trung vào các nhiệm vụ: Tăng cường quản lý cải thiện dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm tươi sống an toàn có kiểm soát; quản lý sản xuất rượu thủ công, rượu pha chế. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.