(HNM) - Mỗi ngày trên dải đất hình chữ S này có tới gần 30 người đi ra đường nhưng mãi mãi không trở về nhà do tai nạn giao thông. Đây không chỉ là nỗi đau của mỗi gia đình mà còn để lại rất nhiều hệ lụy cho xã hội. Do đó, kéo giảm số vụ tai nạn là mệnh lệnh từ thực tế đời sống và được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thời gian qua.
Nhưng câu hỏi đặt ra là: Tại sao hằng ngày các phương tiện thông tin đại chúng vẫn đưa về các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, con số thương vong rất cao, nhưng ít có tác dụng trong việc giáo dục nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông, cũng như hạn chế, làm giảm thiểu con số đau lòng do tai nạn? Phải chăng con người chúng ta dần vô cảm trước vấn đề này, vì nó xảy ra quá nhiều mà chỉ có người trong cuộc mới thấm thía được nỗi đau?
Trong số rất nhiều nhóm giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông (phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng phương tiện…) thì việc tăng mức phạt liên quan đến các nhóm hành vi có nguy cơ gây ra tai nạn giao thông nhằm tác động vào ý thức của người tham gia giao thông là rất cần thiết. Việc thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt với mức xử phạt cao hơn so với trước ở nhiều hành vi vi phạm nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa cũng nằm trong mục tiêu trên.
Và không có gì ngạc nhiên khi 15 ngày đầu thực hiện xử phạt vi phạm theo nghị định mới, số trường hợp bị cảnh sát giao thông cả nước xử phạt cũng tăng mạnh, cho thấy ý thức của một bộ phận người dân là chưa chuyển biến. Tình trạng “nhờn luật”, coi thường tính mạng của cá nhân và những người cùng tham gia giao thông vẫn khá phổ biến. Ngay tại Hà Nội - địa bàn được xem là có trình độ dân trí cao - việc người tham gia giao thông không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, đi sai làn đường, uống rượu bia khi tham gia giao thông, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm… có thể bắt gặp ở nhiều nơi.
Sẽ là có tính dây chuyền khi một cá nhân sẵn sàng vi phạm luật giao thông thì cũng không khó để họ xả rác ra đường phố, có những hành vi cư xử thiếu chừng mực đối với cộng đồng… Càng khó hơn trong trường hợp bậc làm cha mẹ dạy con cái chấp hành các quy định về an toàn giao thông, nhưng chính họ lại thường xuyên không chấp hành các quy định liên quan. Nói như nhà triết học, thần học người Đức Albert Schweitzer: Người lớn dạy trẻ con theo 3 cách quan trọng: Cách thứ nhất là làm gương, cách thứ hai là làm gương, cách thứ ba là làm gương… Và học sinh hư, đáp án ắt hẳn là bố mẹ.
Đại bộ phận người dân đồng tình với việc nâng mức phạt nhiều trường hợp vi phạm các quy định trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nhưng về lâu dài không nên xem đây là giải pháp tối ưu. Điều quan trọng là sau mỗi chiến dịch ra quân nhắc nhở, tuyên truyền, xử phạt ấy thì mỗi cá nhân phải có ý thức “tự đề kháng” khi tham gia giao thông. Từ sự tự ý thức đó sẽ tạo ra “bản năng” khi tham gia giao thông là chấp hành pháp luật liên quan. Và đó mới là mục đích cần hướng tới.
Đồng thời, để người dân có ý thức chấp hành luật lệ, cùng với các giải pháp tuyên truyền, cơ quan chức năng cũng cần chấn chỉnh lực lượng thi hành nhiệm vụ trên đường, tránh tiêu cực, nhũng nhiễu, làm người dân mất niềm tin vào lực lượng chấp pháp.
“Phía trước tay lái là sự sống”; “Hãy lái xe bằng cả trái tim”; “Nói không với rượu bia trước khi lái xe”;... là những khẩu hiệu, lời kêu gọi không bao giờ thừa trước thực trạng an toàn giao thông như hiện nay. Một xã hội hiện đại, một đô thị văn minh không chỉ là câu chuyện đường phố to đẹp, nhiều cửa hàng, cửa hiệu... mà điều quan trọng không thể bỏ qua là mỗi cá nhân phải có ý thức vun đắp từ những việc nhỏ, trong đó có ý thức chấp hành và tuyên truyền, nhắc nhở những người trong gia đình và cộng đồng cùng thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.