(HNM) - Từ ngày 1-7, người tham gia giao thông sử dụng các loại mũ bảo hiểm (MBH) không đúng quy chuẩn (rởm) sẽ bị phạt như hành vi không đội MBH.
Nhằm tránh tình trạng "đâu lại vào đấy" sau các chiến dịch ra quân rầm rộ như trước đây, năm nay các cơ quan chức năng sẽ tập trung xử lý các vi phạm từ khâu sản xuất, kinh doanh cho đến sử dụng. Đại diện Ủy ban ATGT quốc gia nhận định, đến thời điểm này, cơ chế, chính sách đã cơ bản đồng bộ nên chủ trương này sẽ có tính khả thi cao.
Lực lượng chức năng kiểm tra các cửa hàng bán mũ bảo hiểm trên địa bàn thành phố. |
Theo Kế hoạch 69 của Ủy ban ATGT quốc gia, từ ngày 15-6, người đi xe máy đội MBH rởm sẽ bị dừng xe để nhắc nhở. Từ ngày 1-7, các trường hợp đội MBH rởm tham gia giao thông sẽ bị phạt 100.000-200.000 đồng và bị tịch thu MBH rởm đang đội. Việc xử phạt đối với hành vi này được áp dụng theo Nghị định 171/2013, về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Xung quanh kế hoạch này, đã có nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi, bởi vào tháng 3-2013, các cơ quan chức năng cũng đã rầm rộ ra quân xử phạt người không đội MBH và MBH không đúng quy cách. Công tác tuyên truyền cũng được triển khai sâu rộng. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh MBH tổ chức nhiều điểm đổi mũ, bán hàng có trợ giá cho người dân. Lực lượng cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường đã tổ chức nhiều đợt xử lý hàng giả, hàng nhái, với hàng vạn MBH rởm bị tịch thu, tiêu hủy… Tuy nhiên, mọi việc đâu lại vào đấy, bởi lẽ xử phạt người tham gia giao thông đội MBH rởm chỉ là xử phần "ngọn", trong khi phần "gốc" chính là các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH không đúng quy cách lại chưa được giải quyết triệt để. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các điểm bán MBH rởm vẫn nhan nhản trên vỉa hè các tuyến phố trung tâm. Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất MBH "xịn" bức xúc cho rằng cuộc chiến với MBH rởm là không cân sức khi mà chính lực lượng chức năng không kiên quyết. Liệu trong lần ra quân tới đây, kết quả có như mong muốn?
Ủy ban ATGT quốc gia đã có văn bản yêu cầu ủy ban ATGT các tỉnh, thành phố siết chặt việc quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH. Qua kinh nghiệm triển khai của năm 2013 cùng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến MBH đã cơ bản hoàn thiện, hy vọng chiến dịch này sẽ được triển khai đồng bộ, rộng rãi trên phạm vi cả nước và sẽ ngăn chặn được tình trạng đội mũ nhựa, MBH không bảo đảm chất lượng khi tham gia giao thông, góp phần giảm tai nạn giao thông trong năm 2014 và các năm tiếp theo.
Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hà Nội, để "chiến dịch" thành công, trước tiên các cơ quan, ban, ngành liên quan quản lý chặt MBH không bảo đảm chất lượng. Phải phạt từ nơi sản xuất đến người buôn bán. Làm mạnh ngay từ đầu thì sẽ chỉ còn rất ít MBH không đạt chuẩn ra tham gia giao thông. Còn theo Bộ GTVT, lần ra quân này sẽ khả thi và đạt hiệu quả cao, bởi đã có đầy đủ quy định pháp luật liên quan bao trọn quá trình từ sản xuất - kinh doanh - sử dụng. Chế tài cần thiết cho việc kiểm tra, xử phạt cũng đã được ban hành. Quan trọng hơn là các cơ quan chức năng liên quan đã có kinh nghiệm từ những đợt ra quân trước. Đây chính là những điểm khác biệt so với lần triển khai rầm rộ vào năm 2013 để trở lại xử phạt và duy trì thường xuyên công tác này. Cùng với siết việc sản xuất, kinh doanh, cần phải tăng cường tuyên truyền cho cả người bán hàng và người mua, từ đó làm cho người tham gia giao thông mong muốn tìm kiếm và chỉ thấy tin và yên tâm ra đường khi đội MBH đạt chuẩn.
Theo Thông tư liên tịch 06 (của Bộ GTVT, Bộ KH&CN, Bộ Công an, Bộ Công thương), MBH rởm là những loại mũ có kiểu dáng bên ngoài giống MBH cho người đi mô tô, xe máy nhưng không có dấu hợp quy; không hoặc chưa có công bố tiêu chuẩn chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hóa; các loại mũ làm giả, làm nhái mẫu mã của các thương hiệu MBH xe máy đúng quy chuẩn chất lượng; các loại MBH xe máy không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.