Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý xe máy, ô tô đi ngược chiều: Tăng chế tài, xử phạt mạnh

Thu Hằng| 18/12/2018 06:53

(HNM) - Thời gian gần đây, tình trạng ô tô, xe máy đi vào đường cấm, thậm chí nhiều trường hợp còn đi ngược chiều, lùi xe trên các tuyến đường cao tốc thuộc địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn và ùn tắc giao thông.

Vẫn còn chủ phương tiện đi ngược chiều trên phố Nguyễn Lương Bằng.


Tiềm ẩn ùn tắc, tai nạn giao thông

Đến nay, dư luận vẫn chưa hết “sốc” khi xem một clip quay cảnh hàng trăm người dân dắt bộ xe máy đi ngược chiều trên vỉa hè đường Tố Hữu (thuộc địa phận quận Nam Từ Liêm) trước mặt lực lượng cảnh sát giao thông hồi đầu tháng 11 vừa qua. Không chỉ nơi này, thời gian qua, tình trạng người dân điều khiển xe máy, thậm chí cả ô tô đi vào đường cấm, hay đi ngược chiều đường, trên vỉa hè diễn ra khá phổ biến. Sáng 14-12, có mặt tại khu vực ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến, phóng viên ghi nhận được hàng chục chiếc xe máy nối đuôi nhau đi ngược chiều dưới lòng đường hoặc trên vỉa hè đường Nguyễn Xiển về phía ngã tư. Theo quan sát, hầu hết lái xe máy đi ngược chiều đều xuất phát từ các ngõ 100, 116, 124, 132, 140 và 168 đường Nguyễn Xiển. Thay vì đi đúng đường để rẽ sang bên kia đường Nguyễn Xiển, từ đó quay lại ngã tư đi về Hà Đông, người dân đã cố tình đi ngược chiều dưới lòng đường hoặc vỉa hè đường Nguyễn Xiển để rút ngắn thời gian nên rất dễ va chạm với các phương tiện đi đúng chiều.

Tương tự tại phố Quốc Tử Giám (Đống Đa), ngay ở đầu ngã tư từ đường Tôn Đức Thắng rẽ vào đã có biển báo cấm đi ngược chiều, nhưng ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm đã có nhiều xe máy vô tư đi vào. Theo phản ánh của người dân ở phố Quốc Tử Giám, tình trạng xe máy đi ngược chiều trên phố này diễn ra khá phổ biến, gây xung đột với xe đi đúng chiều, mặc dù lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Còn tại đường Hồ Tùng Mậu, đoạn gần Nghĩa trang Mai Dịch, hay gần Trường Đại học Thương mại, tình trạng đi xe máy ngược chiều cũng diễn ra khá nhiều, góp phần gây ùn tắc giao thông...

Không chỉ đi ngược chiều tại các tuyến đường, phố nội đô, người điều khiển xe máy, xe ba bánh còn đi ngược chiều trên cả đường Vành đai 3 trên cao. Vi phạm xảy ra nhiều nhất phải kể đến là ở lối lên xuống tuyến đường thuộc khu vực gần siêu thị Big C, khu vực gần ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến... Tại đây, người điều khiển xe máy (chủ yếu là lực lượng xe ôm), xe ba bánh ngang nhiên lên xuống cầu vượt để chở khách, chở hàng, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.

Cần xử lý mạnh tay!

Nhiều người dân ngang nhiên đi ngược chiều ở đường Nguyễn Xiển.


Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân quá kém. Ngoài ra, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân; áp lực giao thông tăng cao vào giờ cao điểm; việc tổ chức giao thông ở một số tuyến đường, phố chưa hợp lý... cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng đi ngược chiều, đi vào đường cấm.

Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) cho biết: Nhằm bảo đảm an toàn giao thông, đồng thời xử lý nghiêm tình trạng đi xe máy, ô tô vào đường ngược chiều, đường cấm,... Phòng đã duy trì, bố trí lực lượng chỉ huy điều khiển giao thông tại 352 nút giao thông; tăng cường lực lượng tuần tra lưu động tại 15 tuyến quốc lộ, tuyến trục chính ra, vào thành phố trong giờ cao điểm sáng, trưa, chiều và tại khu vực các nhà ga, bến xe, bến tàu, các điểm có tình hình giao thông phức tạp.

Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, trong năm 2018, lực lượng cảnh sát giao thông toàn thành phố đã kiểm tra và xử lý 309.207 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 129 tỷ đồng (trong đó có 10.489 trường hợp vi phạm đi vào đường cấm, đường ngược chiều); tạm giữ 19.224 phương tiện các loại và 125.726 bộ giấy tờ; tước 24.929 giấy phép lái xe. Mặc dù lực lượng cảnh sát giao thông đã tăng cường kiểm tra, xử phạt, song tình trạng xe máy, ô tô đi vào đường cấm, đường ngược chiều vẫn xảy ra ở một số tuyến đường, phố, gây bức xúc trong nhân dân.

Nói về những khó khăn trong quá trình tuần tra, xử lý các trường hợp đi vào đường ngược chiều, đường cấm, Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 7 (Công an TP Hà Nội) chia sẻ: Trước thực trạng nhiều người tham gia giao thông đi ngược chiều trên một số tuyến đường, phố, chúng tôi đã tăng cường cán bộ, chiến sĩ tuần tra, kiểm soát để xử lý vi phạm. Thế nhưng, khi nhìn thấy lực lượng cảnh sát giao thông, người dân sẵn sàng quay đầu xe “bỏ chạy” với tốc độ nhanh, gây khó khăn cho công tác xử lý. Từ đầu năm đến nay, Đội đã xử lý 1.696 trường hợp xe máy, ô tô đi vào đường cấm, đường ngược chiều, cao tốc và 1.597 trường hợp đi trên vỉa hè, phạt tiền gần 1,2 tỷ đồng...

Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông, để xử lý dứt điểm tình trạng này, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người dân, góp phần xây dựng văn hóa giao thông, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tổ chức lại giao thông, lắp đặt bổ sung hệ thống biển báo, vạch kẻ đường, đèn tín hiệu giao thông ở một số đoạn đường còn thiếu. Đồng thời xem xét cải tạo, mở rộng một số tuyến đường, xây thêm cầu vượt nhằm giảm ùn tắc. Cùng với việc tăng cường tuần tra, kiểm soát và mạnh tay xử lý vi phạm, cơ quan chức năng cần xem xét tăng chế tài xử phạt đối với các trường hợp đi ngược chiều, đi vào đường cấm, đường cao tốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý xe máy, ô tô đi ngược chiều: Tăng chế tài, xử phạt mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.