Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý việc xây dựng công trình lấn chiếm đất công: Chần chừ đến bao giờ?

Bài, ảnh: Trung Nguyên| 12/12/2015 07:42

(HNM) - Mặc dù UBND xã Hòa Phú đã thực hiện giải tỏa 166 trường hợp vi phạm khi làm lều lán, mái che, mái vẩy, công trình phụ, hàng quán trên mặt đê, mái đê tả Sông Đáy nhưng tình trạng vi phạm Luật Đê điều vẫn đang tiếp tục diễn ra…

Công trình xây dựng trái phép trên khu đất Hồ Ngược của gia đình ông Vinh.


Hiện nay, trên địa bàn xã Hòa Phú còn tồn tại 332 trường hợp vi phạm Luật Đê điều với 137 công trình nhà bê tông cao 1-3 tầng; 179 nhà lợp ngói, mái tôn, fibrô xi măng, 12 công trình phụ… trong đó, 12 trường hợp nhà lợp ngói, tồn tại từ những năm 1960 trở về trước; còn lại là những công trình vi phạm xây nhà trên mái đê, hành lang bảo vệ đê phát sinh từ năm 1990 trở lại đây. Khu vực xuất hiện nhiều vi phạm nhất là địa bàn thôn Đặng Giang, với gần 100 trường hợp xây nhà bê tông, làm tầng hầm ở mái đê, hành lang bảo vệ đê và cả đất "mượn" của UBND xã. Tại địa bàn thôn Dư Xá, trong số 55 trường hợp vi phạm Luật Đê điều thì có tới hơn chục trường hợp ngang nhiên xây nhà lấn chiếm đất công và đất do thôn giao trái thẩm quyền năm 1990… Thôn An Phú cũng có 7/43 trường hợp xây nhà trên đất lấn chiếm, đất do xã giao trái thẩm quyền từ năm 2010, 2012, thuộc phạm vi hành lang đê.

Được biết, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Ứng Hòa tại Kế hoạch số 57/KH-UBND, trong ngày 8 và 9-7-2015, Ban Chỉ đạo giải tỏa vi phạm đê điều xã Hòa Phú đã tổ chức ra quân giải tỏa 166 trường hợp vi phạm làm hàng quán, công trình phụ, mái vẩy, bán mái… Sau thời gian giải tỏa, trên địa bàn các thôn Dư Xá và Đặng Giang có 8 trường hợp tái lấn chiếm, dựng bán mái, mái vẩy bằng tôn, khung sắt. Sau khi Ban Chỉ đạo giải tỏa đê điều xã vận động thì cả 8 hộ đã tự giác tháo dỡ công trình vi phạm.

Tuy nhiên, trong khi UBND xã Hòa Phú báo cáo kết quả thực hiện giải tỏa các trường hợp vi phạm Luật Đê điều với UBND huyện Ứng Hòa, thì ở địa bàn thôn An Phú có trường hợp gia đình ông Hoàng Văn Vinh ngang nhiên xây nhà ở, chuồng trại, công trình phụ tại khu vực Hồ Ngược, thuộc phạm vi hành lang đê.

Được biết, gia đình ông Vinh đã nhận chuyển nhượng hợp đồng thầu 10.813m2 khu Hồ Ngược từ ông Hoàng Quang Hiển (ở thôn Đặng Giang). Từ trung tuần tháng 7-2015, mặc dù biết rõ địa phương đang giải tỏa các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, gia đình ông Vinh vẫn cố tình xây dựng, hoàn thiện các công trình nhà ở, chuồng trại, khu vệ sinh với tổng diện tích 142m2 tại khu Hồ Ngược.

Vấn đề đáng quan tâm là việc xử lý công trình xây dựng trên đất nuôi trồng thủy sản đối với gia đình ông Vinh mới được UBND xã Hòa Phú thực hiện trên… giấy! Ông Nguyễn Đình Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết: Sau khi phát hiện gia đình ông Vinh xây công trình trên đất nuôi trồng thủy sản, ngày 14-7-2015, UBND xã đã lập biên bản vi phạm.

Trong tháng 7-2015, UBND xã ra các thông báo, quyết định xử phạt vi phạm, yêu cầu gia đình ông Vinh đình chỉ việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, khôi phục nguyên trạng đất như trước khi có hành vi vi phạm. Nhưng gia đình ông Vinh vẫn cố tình xây dựng, hoàn thiện và sử dụng công trình với số tiền đầu tư khoảng 300 triệu đồng. Ông Quang cũng thừa nhận UBND xã chưa kiên quyết xử lý dứt điểm vi phạm. Theo đánh giá của Hạt Quản lý đê Ứng Hòa - Mỹ Đức, các công trình vi phạm của gia đình ông Vinh xây cách chân đê từ 5,5m đến 15,2m, phần lớn nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê.

Bên cạnh việc rà soát, thống kê, giải tỏa vi phạm Luật Đê điều, thì việc kịp thời phát hiện, kiên quyết ngăn chặn và xử lý dứt điểm các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh cần phải được các cơ quan chức năng và chính quyền xã Hòa Phú thực hiện nghiêm túc. Có như vậy mới ngăn chặn, hạn chế được những trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xây dựng công trình trái phép, vi phạm các quy định của Luật Đê điều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý việc xây dựng công trình lấn chiếm đất công: Chần chừ đến bao giờ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.