Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng: Phân công rõ người, rõ trách nhiệm!

Dạ Khánh| 14/08/2018 06:52

(HNM) - Thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp...

Lực lượng chức năng xử lý công trình vi phạm.


Phức tạp, khó giải quyết

Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tính đến cuối năm 2017, trên địa bàn thành phố còn tồn đọng 132 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Từ đầu năm 2018 đến nay, trên cơ sở báo cáo kết quả xử lý mới của các quận, đã xử lý thêm được 12 trường hợp. Trong đó, Ba Đình giải quyết xong 7 trường hợp, Tây Hồ 1 trường hợp, Hoàng Mai 2 và Hà Đông 2 trường hợp. Như vậy, đến nay còn 120 vi phạm tồn đọng chưa được xử lý xong. Trong số này, còn 45 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng giai đoạn 2015-2016, đang được thành phố yêu cầu tập trung xử lý dứt điểm.

Ông Ngô Quyết Thắng - Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Hầu hết các công trình vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng đều rất phức tạp, khó xử lý. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong số 45 trường hợp tồn đọng, các quận, huyện có công trình vi phạm nhiều hơn cả là Hoàn Kiếm (8), Thanh Trì (6), Hai Bà Trưng (5). Với các trường hợp này, Sở Xây dựng đã phân loại vi phạm, thẩm quyền trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc xử lý. Theo đó, 42 trường hợp thẩm quyền xử lý thuộc trách nhiệm UBND các quận, huyện. 3 trường hợp còn lại liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của các sở, ngành thành phố: Sở Quy hoạch - Kiến trúc (Dự án nhà ở thấp tầng tại số 108 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân); Sở Kế hoạch và Đầu tư (Dự án khu nhà ở tại lô đất ký hiệu HH-01 và tòa nhà số 4 lô đất HH-02 thuộc Khu chức năng đô thị Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm); Sở Xây dựng (Dự án tại 129D Trương Định, quận Hai Bà Trưng).

Quyết liệt xử lý dứt điểm

Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cho biết: Các quy định pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm trật tự xây dựng đã rất đầy đủ. Song vấn đề là chất lượng bộ máy quản lý, chất lượng cán bộ trực tiếp quản lý địa bàn, thái độ kiên quyết của bộ phận tham mưu với chính quyền địa phương để xử lý vi phạm chắc chắn chưa đạt yêu cầu, có nơi không có hiệu lực, hiệu quả.

Quyết liệt xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng, ngày 17-7-2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản 3245/UBND-ĐT, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương, nghiêm túc xây dựng và triển khai kế hoạch xử lý dứt điểm từng trường hợp tồn đọng cụ thể. Trong đó, phân công rõ trách nhiệm cho từng tập thể, cá nhân, bảo đảm tiến độ xử lý xong, dứt điểm trước ngày 15-10-2018. Thành phố cũng yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc chậm giải quyết, xử lý chưa dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng đã được UBND thành phố chỉ đạo tại Văn bản 1448/UBND-ĐT ngày 5-4-2018. Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng; Kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng kế hoạch xử lý các vi phạm còn tồn đọng nêu trên của UBND các quận, huyện, thị xã.

Tuy nhiên, dù Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản gửi các quận, huyện, thị xã, đề nghị các địa phương khẩn trương gửi kế hoạch xử lý, cũng như gửi báo cáo kết quả thực hiện theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố, nhưng trao đổi với phóng viên, ông Ngô Quyết Thắng cho biết: Đến nay, rất nhiều địa phương chưa gửi kế hoạch xử lý, cũng như báo cáo về Sở. “Trách nhiệm xử lý thuộc chính quyền địa phương; Đội thanh tra xây dựng giờ cũng đã do địa phương quản lý, nên Thanh tra Sở chủ yếu vẫn là gửi văn bản đôn đốc…” - ông Thắng thẳng thắn chia sẻ.

Kiểm soát chặt trật tự xây dựng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cũng yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tình hình hoạt động xây dựng trên địa bàn, bảo đảm các trường hợp vi phạm phải được kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý ngay từ khi mới phát sinh để không gây bức xúc trong dư luận.

Đối với việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng công trình và xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, kịp thời ngăn chặn việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Các công trình đã xây dựng trái phép, khẩn trương kiểm tra, rà soát, phân loại cụ thể từng trường hợp và có phương án xử lý theo hướng: Xử phạt vi phạm hành chính, phá dỡ công trình vi phạm, thu hồi đất vi phạm pháp luật đất đai...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng: Phân công rõ người, rõ trách nhiệm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.