(HNM) - Từ đầu năm 2019 đến nay, ngoài 9.350 vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước chưa được xử lý dứt điểm thì các địa phương của Hà Nội tiếp tục để phát sinh 203 vụ vi phạm pháp luật về thủy lợi. Thực trạng nêu trên hết sức đáng quan ngại, bởi không chỉ đe dọa an toàn các công trình thủy lợi mà còn cho thấy sự thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm. Đã đến lúc cần làm rõ trách nhiệm và siết chặt việc quản lý các công trình thủy lợi.
Nguyên nhân đã rõ
Thời gian gần đây, tình trạng xâm hại các công trình thủy lợi tiếp tục tái diễn ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tại huyện Ba Vì, Công ty cổ phần Giống gia cầm Ba Vì đã đào, đắp khoảng 8.600m2 trong phạm vi bảo vệ hồ Suối Hai để tạo thành một tuyến mương. Công ty TNHH Phát triển sinh thái xanh san gạt 840m2 đất lòng hồ suối Hai để trồng cây xanh...
Tại huyện Sóc Sơn, bà Phạm Thị Thúy Hồng, ở xã Minh Phú, và ông Trịnh Văn Thanh, ở xã Minh Trí, đổ hàng trăm mét khối đất vào lòng hồ Ban Tiện, Đồng Đò để tạo mặt bằng, xây dựng nhà ở... Tại huyện Thường Tín, ông Nguyễn Hữu Tươi, ở xã Khánh Hà, và ông Nguyễn Văn Hân, ở xã Thư Phú… xây dựng nhà ở và trồng cây xanh trong hành lang bảo vệ sông Nhuệ và tuyến kênh Tây…
Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố phát sinh 203 vụ việc vi phạm pháp luật thủy lợi; trong đó có 96 vụ xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất, dựng lều, quán, lán tạm; 5 vụ trồng cây xanh… trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Hiện tại, các địa phương mới xử lý, giải tỏa 19 vụ, tồn đọng 184 vụ. Địa phương để xảy ra nhiều vi phạm, chưa xử lý dứt điểm là: Thường Tín với 100 vụ, Sóc Sơn 12 vụ, Thanh Oai 12 vụ, Thạch Thất 9 vụ… Nếu tính gộp 9.350 vụ vi phạm xảy ra từ năm 2018 trở về trước thì hiện nay, Hà Nội còn 9.534 vụ vi phạm pháp luật thủy lợi chưa xử lý…
Những vi phạm này không chỉ làm suy giảm năng lực phòng, chống thiên tai của các công trình thủy lợi mà còn tạo ra những bức xúc liên quan đến trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích Đào Mạnh Thủy cho biết, là đơn vị quản lý trực tiếp các công trình thủy lợi nhưng các doanh nghiệp thủy lợi lại không có thẩm quyền xử lý. Vì vậy, khi phát hiện vi phạm, các doanh nghiệp thủy lợi chỉ có thể lập biên bản đề nghị chính quyền địa phương xử lý. Trong khi đó, một số xã còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, coi việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy lợi là của doanh nghiệp thủy lợi…
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho rằng, nếu các doanh nghiệp thủy lợi và chính quyền cấp xã làm đúng chức năng, nhiệm vụ: Kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ khi phát sinh vi phạm thì khó khăn đã không đẩy lên cấp huyện; trong khi đó, để cưỡng chế vi phạm pháp luật về thủy lợi cần rất nhiều thủ tục hành chính…
Trách nhiệm và giải pháp
Để khắc phục tình trạng trên, bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, phòng, chống thiên tai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải cho rằng: Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm. Trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu cũng như công chức, viên chức được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Đặc biệt là với các trường hợp không kiểm tra, phát hiện, kịp thời kiến nghị với cấp có thẩm quyền, không có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả hành vi vi phạm đối với công trình thủy lợi được giao quản lý…
Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích Đào Mạnh Thủy đề nghị các sở, ngành tham mưu UBND thành phố bố trí kinh phí để cắm mốc giới các công trình thủy lợi, đặc biệt là đối với các hồ thủy lợi, trục kênh tưới, tiêu lớn… “Chúng ta không thể xử lý vi phạm khi chưa xác định rõ ranh giới quản lý…”, ông Đào Mạnh Thủy nhấn mạnh.
Từ thực tế địa phương, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng khẳng định: “Huyện Chương Mỹ yêu cầu các ban quản lý phải tuân thủ đúng quy định của Luật Thủy lợi trước khi triển khai dự án. Huyện cũng sẽ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thông qua công tác xử lý và ngăn ngừa tái vi phạm. Đối với những xã, thị trấn để xảy ra nhiều vi phạm, không kịp thời xử lý theo thẩm quyền… sẽ đình chỉ chức vụ người đứng đầu, không để tồn tại kiểu đẩy trách nhiệm cho cấp trên…”.
Trong khi đó, ông Lê Văn Tạo, Chủ tịch UBND xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) đề nghị: Các chủ đầu tư khi triển khai dự án thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật, có đầy đủ giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi…
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, mặc dù Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn đã quy định khá rõ thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị trong xử lý vi phạm về lĩnh vực thủy lợi. Tuy nhiên, các quy định này chưa “cá thể hóa” trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm… Vì vậy, Sở NN&PTNT đã giao Chi cục Thủy lợi nghiên cứu, xây dựng Quy chế phối hợp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy lợi trên địa bàn thành phố.
"Quy chế sẽ quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND các cấp, người có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân trong công tác kiểm tra phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm, tổ chức cưỡng chế, khắc phục hậu quả các hành vi vi phạm pháp luật về thủy lợi trên địa bàn thành phố… Sau khi hoàn thành quy chế, Sở NN& PTNT sẽ trình UBND thành phố ban hành, áp dụng trong năm 2020" - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh quy định mang tính pháp lý, thì sự chủ động của các địa phương trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Với việc quy định rõ trách nhiệm cá nhân trong ngăn chặn, xử lý vi phạm, đồng thời có sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương thì tình trạng vi phạm pháp luật về thủy lợi mới được xử lý dứt điểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.