Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý vi phạm các công trình thủy lợi: Cần quy định rõ trách nhiệm

Kim Nhuệ| 09/06/2021 06:11

(HNM) - Các vụ vi phạm đang khiến nhiều công trình thủy lợi của Hà Nội tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, làm gia tăng mức độ ngập lụt tại khu vực ngoại thành. Để bảo đảm an toàn công trình, giảm nỗi lo của người dân trong mùa mưa bão, cơ quan chức năng cần có giải pháp phân định rõ trách nhiệm, chấm dứt “bệnh” đùn đẩy, né tránh xử lý vi phạm pháp luật thủy lợi.

Công nhân Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Sóc Sơn kiểm tra, xác định mức độ vi phạm tại hồ Đồng Đò, xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Kim Văn

Nhiều vi phạm nghiêm trọng

Không chỉ trữ nước phòng, chống hạn hán, các hồ thủy lợi ở ngoại thành Hà Nội còn làm nhiệm vụ cắt lũ rừng, giảm ngập lụt cho vùng hạ du. Tuy nhiên, vào đầu tháng 6-2021, quan sát thực tế tại các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, thị xã Sơn Tây...; phóng viên nhận thấy nhiều hồ đập bị xâm hại nghiêm trọng. Điển hình, tại hồ Đồng Quan, thuộc xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn), gia đình ông Trần Ngọc Hà đã đổ hàng trăm mét khối đất xuống lòng hồ, xây 66m tường đá, cao 1m trong phạm vi bảo vệ hồ... Còn gia đình ông Lê Văn Hiến ở xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì) đã đào móng, xây 55m tường bao, lấn chiếm hơn 350m2 đất trong hành lang bảo vệ hồ, đập Suối Hai.

Cùng với đó, nhiều tuyến kênh, sông làm nhiệm vụ tiêu thoát nước cho khu vực nội thành và ngoại thành Hà Nội cũng bị xâm hại. Đơn cử, đoạn kênh đi qua xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) bị 5 hộ dân đổ đất, đá vào mái kênh, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố công trình khi mực nước lên cao.

Thống kê của Chi cục Thủy lợi Hà Nội, đến đầu tháng 6-2021, trên địa bàn thành phố Hà Nội tồn tại 13.025 vụ vi phạm công trình thủy lợi. Trong đó, riêng từ đầu năm 2021 đến nay, phát sinh 158 vụ vi phạm công trình thủy lợi. Tuy nhiên, đến thời điểm này các địa phương mới xử lý được 10 vụ phát sinh trong năm 2021 và 52 vụ trong tổng số 12.877 vụ xảy ra từ những năm trước 2021. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải, những vi phạm này không chỉ làm thu hẹp dung tích cắt lũ rừng, cản trở dòng chảy tiêu thoát nước mà còn đe dọa an toàn công trình, làm gia tăng nguy cơ ngập lụt cho khu vực ngoại thành khi xảy ra mưa lớn.

“Không thể vì lợi ích của một vài người mà để nhiều hộ dân nơm nớp nỗi lo ngập lụt mỗi khi tới mùa mưa bão. Chúng tôi mong các cấp, các ngành xử lý nghiêm những hành vi vi phạm và xử lý cả những người có trách nhiệm liên quan khi để vi phạm kéo dài”, bà Tạ Thị Phìn (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn) nói.

Đại diện Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì kiểm tra, xác nhận việc tự giải tỏa công trình xây dựng trong lòng hồ Suối Hai của người dân xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì). Ảnh: Kim Văn

Bắt "bệnh" để trị "bệnh"

Cắt nghĩa nguyên nhân xảy ra nhiều vi phạm, chậm xử lý, 4 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố cho rằng, do không có chức năng xử lý nên khi phát hiện vi phạm, đơn vị chỉ có thể lập biên bản, đình chỉ hành vi và đề nghị các xã, phường, thị trấn xử lý theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, lãnh đạo phòng kinh tế các huyện: Sóc Sơn, Thường Tín, Ba Vì... thẳng thắn cho rằng, các đơn vị thủy lợi cơ sở chỉ lập biên bản, gửi hồ sơ vi phạm mà chưa làm tốt trách nhiệm phát hiện, đình chỉ hành vi vi phạm ngay từ khi phát sinh. “Do chậm phát hiện, vi phạm vượt thẩm quyền, các xã, thị trấn buộc phải “đẩy” lên cấp huyện. Xử lý theo thẩm quyền, cấp huyện phải thực hiện hàng loạt thủ tục theo quy định nên mất nhiều thời gian”, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Nguyễn Thanh Hưng giải thích.

Cơ quan chuyên môn các địa phương nêu trên cũng nhận định, không loại trừ người đứng đầu một số xã, thị trấn né tránh trách nhiệm, chờ vi phạm vượt thẩm quyền mới “đẩy” lên cấp trên. Để chấm dứt hiện tượng này, đề nghị Sở NN&PTNT tham mưu, đề xuất cơ quan thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ đề nghị: “Về trước mắt, để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, giảm úng ngập khu vực ngoại thành trong mùa mưa bão, các đơn vị, địa phương khẩn trương giải tỏa vi phạm, nhất là tại các hồ đập, trục tiêu chính, công trình đầu mối…”.

Theo đó, hiện nay một số địa phương đang tập trung xử lý vi phạm. Phó Chủ tịch UBND xã Phù Linh Trần Quốc Tuấn thông tin, xã Phù Linh đã thiết lập hồ sơ, vận động gia đình ông Trần Ngọc Hà tự giải tỏa vi phạm, hoàn thành trước ngày 12-6. Tương tự, những xã, thị trấn để phát sinh vi phạm thuộc các huyện: Thường Tín, Chương Mỹ, Ba Vì... cũng đang thiết lập hồ sơ, xây dựng kế hoạch giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi.

Tuy nhiên, để trị được dứt điểm "bệnh" đùn đẩy trách nhiệm, phải cần những giải pháp căn cơ, bài bản triển khai trên toàn thành phố. Ở tầm quản lý thành phố, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhấn mạnh, Sở đang rà soát các quy định pháp luật và cố gắng hoàn thành trong thời gian sớm nhất để tham mưu cấp thẩm quyền ban hành quy định, phân định rõ trách nhiệm của các tổ chức thủy lợi, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp trong quản lý, ngăn ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi. Việc xử lý theo hướng vi phạm xảy ra thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, chính quyền cấp nào thì chủ thể đó phải chịu kinh phí giải tỏa, đền bù; đồng thời phân định rõ trách nhiệm của tổ chức thủy lợi, nếu không phát hiện, ngăn chặn, phối hợp xử lý vi phạm thì không được thanh toán hoặc giảm kinh phí đặt hàng phần quản lý, duy trì công trình.

Như vậy, "bệnh" đã được bắt đúng, điều quan trọng là cấp thẩm quyền cần sớm ban hành quy định để áp dụng trong thực tiễn. Chắc chắn, khi đã rõ trách nhiệm các bên liên quan, mọi vi phạm sẽ bị xử lý kịp thời, góp phần hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn trong mùa mưa bão.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý vi phạm các công trình thủy lợi: Cần quy định rõ trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.