(HNM) - Thu gom, xử lý rác thải là vấn đề ngày càng trở nên cấp bách đối với nhiều địa phương trong xây dựng nông thôn mới.
Rác thải xâm lấn nông thôn
Mỗi ngày, huyện Mỹ Đức phát sinh khoảng 90 tấn rác thải sinh hoạt. Để chống tồn đọng, ảnh hưởng cảnh quan môi trường, huyện đã đầu tư xây dựng 43 bãi chứa rác trên địa bàn 22 xã, thị trấn với tổng diện tích gần 65.000m2. Vì thiếu quỹ đất công nên nhiều bãi không bảo đảm quy định về quy mô, một số bãi đã đầy nhưng không có khả năng mở rộng…
Rác thải bên sông Nhuệ, khu vực xã Tiền Phong (huyện Thường Tín). Ảnh: Thái Hiền |
Theo kết quả kiểm tra của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, các bãi chứa của huyện Mỹ Đức đều cách xa khu dân cư, có phun thuốc khử mùi, diệt côn trùng song có nhiều bãi bị mất vải địa kỹ thuật chống thấm, không có biện pháp xử lý nước rác… Lo ngại ô nhiễm môi trường đất và nguồn nước, huyện Mỹ Đức đã có văn bản đề nghị được chuyển rác trên địa bàn về khu xử lý tập trung của thành phố.
Ở huyện Chương Mỹ, một số bãi chứa dù được bố trí đúng khoảng cách quy định nhưng doanh nghiệp không thể vận chuyển kịp thời trong ngày (do các khu xử lý tập trung của thành phố đang quá tải) khiến sinh hoạt của nhiều gia đình gần bãi rác bị đảo lộn vì mùi hôi, ruồi, muỗi. Tại các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa… lại bố trí một số điểm tập kết, bãi chứa nổi ở gần trục đường giao thông, tuy thuận lợi cho việc vận chuyển nhưng lại ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị… Những hạn chế trên khiến nhiều vùng nông thôn hiện nay không còn là địa điểm lý tưởng để nghỉ dưỡng bởi không gian xanh, sạch, đẹp, không khí trong lành… đã bị rác thải xâm lấn.
Để tăng cường công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, TP Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức thực hiện dự án xử lý rác thải có kiểm soát, hợp vệ sinh nhưng đến nay nhiều dự án vẫn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư hoặc đang thi công chưa hoàn thành. Nguyên nhân chậm tiến độ là thủ tục đầu tư phức tạp, phải thay đổi công nghệ, khó tìm được quỹ đất đáp ứng quy chuẩn quốc gia, khó giải phóng mặt bằng, suất đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chậm…
Quy trình phân loại - xử lý
Theo các chuyên gia môi trường, đối với khu vực nông thôn và vấn đề rác thải sinh hoạt nông thôn, cách làm hiệu quả, ít tốn kém nhất hiện nay là phân loại rồi xử lý.
Thực tế tại huyện Thanh Oai, cách làm này đã mang lại kết quả tích cực. Trạm trung chuyển, phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Cao Dương được thực hiện bằng hình thức xã hội hóa, có tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng. Tại đây, rác được thu gom từ các hộ dân, bãi tập kết trên địa bàn huyện về cân khối lượng trước khi đổ vào kho chứa của trạm. Tiếp theo, rác được phân thành 3 loại gồm rác vô cơ, hữu cơ và chất trơ (vật liệu xây dựng, đất đá…). Công đoạn kế tiếp, rác vô cơ được vận chuyển đến nhà máy xử lý tập trung của thành phố để đốt, chất trơ được đem chôn lấp hợp vệ sinh ngay tại địa bàn huyện. Riêng rác hữu cơ được lưu giữ lại trạm để làm nguyên liệu chế biến phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong 3 tháng vận hành thử nghiệm giai đoạn 1 của dự án, trạm đã vận chuyển gần 7.600 tấn rác từ địa bàn các xã, sau đó phân loại thành 4.200 tấn rác vô cơ, 114 tấn chất trơ, 3.243 tấn rác hữu cơ.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Tuấn Anh, với cách làm này, trong 3 tháng, trạm đã tiết kiệm cho ngân sách huyện hơn 1 tỷ đồng chi phí vận chuyển và xử lý rác theo phương pháp truyền thống. Rác không còn là đồ bỏ đi mà một phần trở thành nguồn nguyên liệu sinh lợi cho doanh nghiệp nên đã được thu gom, vận chuyển kịp thời, hạn chế tồn đọng trong khu dân cư, giảm áp lực cho các nhà máy xử lý tập trung của thành phố.
Từ thành công của mô hình trên, hiện nay huyện Thanh Oai đang xây dựng kế hoạch tuyên truyền để người dân trên địa bàn thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn, giảm chi phí cho doanh nghiệp và ngân sách nhà nước cho lĩnh vực môi trường. Đó có thể là gợi ý phù hợp đối với nhiều địa bàn nông thôn hiện nay trong việc xử lý rác thải sinh hoạt, giảm ô nhiễm môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.