Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý nợ xấu của các ngân hàng: Nỗ lực khắc phục ảnh hưởng

Hà Linh| 23/10/2021 06:10

(HNM) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp. Số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, giải thể hoặc bị gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ do dịch Covid-19 gia tăng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ nợ xấu ngân hàng tăng mạnh, do vậy, các cơ quan chức năng cùng hệ thống ngân hàng đang nỗ lực triển khai những giải pháp xử lý, khắc phục những ảnh hưởng.

Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 14,4% so với cùng kỳ năm 2020 để giảm tỷ lệ nợ xấu. Ảnh: Viết Thành

Nhiều doanh nghiệp không có nguồn thu để trả nợ

Dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế đã khiến tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng mạnh. Theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn hiện chiếm khoảng 8% tổng dư nợ, trong đó tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2%. Tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn thành nợ xấu tăng 2,8% so với cuối năm 2020, chiếm tỷ lệ 3,66% so với tổng dư nợ.

Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng thương mại công bố trong quý III-2021 cho thấy, có ngân hàng tỷ lệ nợ xấu tăng 30% so với quý trước. Thống kê của 17 ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn chứng khoán vào cuối tháng 9-2021, nợ xấu là hơn 97.280 tỷ đồng, tăng 31% so với cuối năm 2019 và tỷ lệ nợ xấu tương đương 1,8% tổng tài sản. Áp lực nợ xấu buộc các ngân hàng phải dành nguồn vốn lớn cho trích lập dự phòng. Trong quý III-2021, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng mạnh, lên 2.024 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay, ngân hàng này đã trích tới 6.033 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) tăng chi phí dự phòng 14,4% so với cùng kỳ năm 2020 (sau khi đã loại trừ khoản chi phí dự phòng cho VAMC). Còn Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên mức 2.200 tỷ đồng so với 605 tỷ đồng của năm 2020. Chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng phản ánh sự thận trọng, chủ động trong xử lý nợ xấu.

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, đợt dịch Covid-19 kéo dài từ cuối tháng 4-2021 đến nay cùng với việc thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố đã khiến các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, không có nguồn thu để trả nợ, khiến nợ xấu phát sinh. 10 năm qua, việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng khá vất vả. Hệ thống ngân hàng chỉ bắt đầu bớt áp lực xử lý nợ xấu từ khi có Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (có hiệu lực từ ngày 15-8-2017). Nếu không xảy ra dịch Covid-19, mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ của cả hệ thống ngân hàng có thể đạt được. Song, với những tác động của dịch bệnh mục tiêu này là bất khả thi.

Quang cảnh tọa đàm “Nợ xấu trong đại dịch Covid-19 - Giải pháp hỗ trợ ngành Ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp” do Báo Tiền phong phối hợp với Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) tổ chức. Ảnh: Như Ý

Vận hành sàn giao dịch nợ

Câu hỏi đặt ra là liệu nợ xấu có đáng ngại, có tác động tiêu cực đến hoạt động và kết quả kinh doanh của ngân hàng? Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, tác động của nợ xấu phụ thuộc vào sự kết hợp của nhiều yếu tố. Đó là mức nợ xấu tiềm ẩn được ghi nhận; tỷ lệ nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể kiểm soát; thời gian gia hạn việc phân loại nợ xấu; tốc độ phục hồi kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Nhiều chuyên gia cũng như đại diện các ngân hàng đều khẳng định, nợ xấu chắc chắn gây áp lực cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, nhưng cũng không quá đáng ngại vì các ngân hàng đều tính toán “hy sinh” lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro.

Về phía cơ quan quản lý, để xử lý nợ xấu, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải trích lập phần dự phòng rủi ro nhằm bổ sung vốn trong vòng 3 năm để có nguồn lực xử lý nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu, hạn chế hoặc không chia cổ tức bằng tiền mặt để tăng vốn điều lệ, qua đó nâng cao năng lực tài chính và khả năng chống đỡ của ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ báo cáo Quốc hội đánh giá, tổng kết Nghị quyết số 42/2017/QH14, đề xuất tiếp tục kéo dài hoặc luật hóa nhằm tạo khuôn khổ pháp lý để xử lý nợ xấu. Qua đó giúp tổ chức tín dụng đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu và quá trình tái cơ cấu, tránh các nguy cơ tiềm ẩn tác động đến nền kinh tế. "Nợ xấu liên quan đến hệ số tín nhiệm của nền kinh tế, đánh giá năng lực tài chính của ngân hàng. Vì vậy, xử lý nợ xấu là vấn đề thận trọng, không để tổ chức tín dụng che giấu nợ xấu. Phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đúng bản chất khoản nợ", ông Đào Minh Tú khẳng định.

Mới đây, sàn giao dịch nợ VAMC cũng đã chính thức hoạt động. Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC Nguyễn Tiến Đông, nhiệm vụ trọng tâm của sàn giao dịch nợ là cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và làm trung gian, dàn xếp việc mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu giữa các bên. Nguồn hàng (nợ xấu) cung cấp cho thị trường được xác định từ các khoản nợ do VAMC mua theo giá thị trường và nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nợ xấu của các ngân hàng: Nỗ lực khắc phục ảnh hưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.