(HNM) - Đầu tháng 5-2013, tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà, Quảng Ninh), công an (CA) đã tạm giữ một lô 36 xe ô tô du lịch đang chờ xuất qua biên giới của Công ty Tuấn Đông và hai doanh nghiệp khác.
Từ thời điểm này, chân dung "ông trùm" Hà Tuấn Dũng lộ dần. CA cũng bắt tay vào điều tra hàng loạt hành vi phi pháp của Dũng, núp dưới vỏ bọc doanh nghiệp như: Buôn lậu, bảo kê, tranh giành hàng hóa, đầu mối làm ăn bằng bạo lực... Trước đó, cũng tại tỉnh Quảng Ninh đã xuất hiện hoạt động của các doanh nghiệp dao búa, trong đó nổi tiếng là đối tượng Nguyễn Tiến Phương với vỏ bọc doanh nghiệp Quang Phát... Để tranh giành ảnh hưởng, mở rộng đất làm ăn, Phương đã chỉ đạo đàn em gây ra vụ giết người tàn bạo tại khu vực biên giới và bị kết án tử hình. Dư luận cũng chưa hết bức xúc trước việc một doanh nghiệp tại Hải Phòng thuê côn đồ tấn công người dân để gây sức ép đòi giải phóng mặt bằng...
Theo báo cáo của cơ quan CA, thời gian gần đây, mối liên hệ giữa tội phạm kinh tế và tội phạm hình sự ngày càng rõ rệt. Có thể nhận diện hai hình thức liên kết. Trước hết, là việc nhóm tội phạm kinh tế trong quá trình thực hiện các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, buôn bán hàng cấm, tranh giành tài sản, thị phần đã cấu kết với tội phạm hình sự để được bảo kê, bảo vệ hàng hóa trước sự cạnh tranh, tấn công của các nhóm tội phạm kinh tế khác hoặc để khủng bố, đe dọa, áp chế các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật. Tuy âm thầm nhưng sự "va chạm" giữa các nhóm tội phạm này không kém phần quyết liệt, rất dễ bùng phát thành các vụ việc phức tạp về ANTT. Hình thức thứ hai là nhóm tội phạm kinh tế "xuất thân" từ tội phạm hình sự, mượn dao búa để "kinh doanh", buôn lậu, bảo kê, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Doanh nghiệp loại này cũng là nơi ẩn thân cho nhiều loại tội phạm hình sự. Điển hình cho loại tội phạm này gần đây chính là công ty của Hà Tuấn Dũng. Loại tội phạm này hoạt động rất manh động, sẵn sàng xuống tay tàn bạo, luôn rêu rao là có thế lực "chống lưng"...
Xét cho cùng, cả hai hình thức trên đều mang dáng dấp của tội phạm có tính chất băng nhóm, tội phạm hoạt động kiểu "xã hội đen". Thực tế, loại tội phạm này đang có xu hướng gia tăng khi ngày càng nhiều doanh nghiệp dính vào các vụ án hình sự, từ "bắt giữ người trái pháp luật", "cố ý gây thương tích" cho đến "giết người" có nguyên nhân từ va chạm, tranh giành trong kinh doanh, giao dịch tài chính. Hoạt động của chúng có lúc trắng trợn, gây bức xúc và lo lắng trong dư luận.
Cơ quan CA cho biết, từ năm 2012, một chiến dịch rà soát các hoạt động tội phạm có tính chất băng nhóm, "xã hội đen" đã được tiến hành trên phạm vi rộng. Qua rà soát, bước đầu đã xác định được nhiều nhóm tội phạm hình thành và hoạt động núp dưới vỏ bọc doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp có liên hệ với tội phạm hình sự. Yêu cầu tiếp theo là phải đánh mạnh, truy tận gốc loại tội phạm này. Như trong vụ án Hà Tuấn Dũng, lãnh đạo Bộ CA đã yêu cầu Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm tập trung chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ khẩn trương mở rộng điều tra, truy xét cả những kẻ bảo kê cho băng nhóm này hoạt động. Bộ CA cũng chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương tăng cường đấu tranh với loại tội phạm tương tự.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.