Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo: Có thể thu hồi đất

Y Linh| 25/12/2010 06:48

(HNM) - Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội hiện có 172 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo, đa số đã bị đình chỉ xây dựng, song mới chỉ có 2 trường hợp bị cưỡng chế dỡ bỏ. Tuy nhiên, căn cứ số liệu các quận, huyện báo cáo tại buổi làm việc với UBND TP chiều 24-12, số lượng công trình dạng này lớn hơn rất nhiều. Trong đó, có cả công trình tồn tại sau thời điểm có quy định thu hồi khi tiến hành GPMB.


Lợi nhuận lớn dễ sinh vi phạm

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Thọ cho biết, phần lớn nhà siêu mỏng, siêu méo đều xuất hiện sau khi giải phóng mặt bằng (GPMB) mở đường. GPMB là việc khó nên chủ đầu tư chỉ tập trung thu hồi đất theo chỉ giới mở đường, mà không quan tâm đến phần ngoài chỉ giới nên dẫn đến tình trạng tồn tại nhà hoặc thửa đất không đủ điều kiện xây dựng, dư luận vẫn gọi là nhà siêu mỏng, siêu méo... Bên cạnh đó, tình trạng này tồn tại còn do giá đất sau khi GPMB tăng cao hàng chục lần nên người dân cố tình không chấp hành pháp luật. Chính quyền địa phương cũng chưa vào cuộc ngăn chặn kịp thời, thành phố chưa có chế tài xử lý đủ mạnh. Hầu hết các trường hợp vi phạm tới nay đều đã bị đình chỉ thi công song mới chỉ có 2 trường hợp bị cưỡng chế dỡ bỏ công trình siêu mỏng.

Khu nhà siêu mỏng tại phố Đào Tấn. Ảnh: Khánh Nguyên

Cho rằng việc giá trị đất tăng cao dẫn đến người dân cố tình vi phạm, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng nêu ví dụ, khu vực cầu Vĩnh Tuy sau khi GPMB có 4 trường hợp đất trống không đủ điều kiện xây dựng, chính quyền phải cưỡng chế vi phạm tới 3 lần, nhưng cưỡng chế xong, dân lại tìm cách xây. Chủ trương hợp khối cũng rất khó, khi GPMB các hộ xin thỏa thuận hợp khối, GPMB xong không thể hợp khối được vì giá trị đất tăng, các hộ quay ra ép giá nhau, chính quyền lúng túng rất khó quản lý. Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, Đặng Hồng Thái cho biết, dù quận tuyệt đối không cấp phép xây dựng nhưng người dân vẫn lén lút xây và cư trú trong nhà siêu mỏng. Khi thu hồi đất làm đường đã không tính tới diện tích còn lại sau cắt xén nên quận, huyện xử lý rất khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý... Trong tổng cộng 98 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo, quận Thanh Xuân xử lý được 36 trường hợp bằng cách cho xây tường chắn.

Có đủ căn cứ để thu hồi đất

Nhiều quận, huyện cho rằng, nếu thành phố đồng ý chủ trương cho thu hồi các diện tích đất, nhà có kích thước hình học không phù hợp, các quận, huyện sẽ xử lý dứt điểm được nạn nhà siêu mỏng, siêu méo. Tuy vậy, cũng có những ý kiến tỏ ra thận trọng. Ông Nguyễn Thế Công, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho rằng, phải có cơ sở pháp lý vững chắc để thu hồi đất ngoài chỉ giới mở đường, nếu không có thể sẽ phát sinh khiếu kiện gay gắt. Cùng với đó, phải tính toán được phương án tái định cư khi thu hồi đất. Diện tích đất còn lại rất ít, có khi chỉ vài mét vuông, số tiền bồi thường không đủ mua nhà tái định cư. Việc này phải tính kỹ vì không có chỗ ở mới thì không thể GPMB được...

Ngoài ra, việc sử dụng diện tích đất sau khi thu hồi như thế nào cũng không đơn giản. Nhiều quận, huyện cho rằng, vì diện tích rất nhỏ nên phương án làm ki ốt bán hàng hay vườn hoa, tiểu cảnh không khả thi. Trong khi đó, việc tổ chức đấu giá hay bán lại cho hộ phía trong cũng rất khó bởi sẽ nảy sinh khiếu kiện. Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai nói: Phần đất còn lại có khi chỉ 1-2m2 nên quận chẳng biết dùng vào việc gì. Đấu giá cũng không được. Chỉ còn cách ấn định một giá nào đó, rồi bán cho hộ phía trong nhưng nếu có chênh lệch, dân sẽ khiếu kiện ngay... Ông Nguyễn Kim Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm chia sẻ: Đúng là chịu, không biết dùng vào việc gì. Vì cứ nói là sử dụng theo quy hoạch nhưng đã có tuyến phố nào có quy hoạch kiến trúc hai bên đâu.

Theo Phó Trưởng ban GPMB TP Trịnh Hòa Bình, các quy định hiện nay rất rõ ràng, thửa đất nào không đủ điều kiện xây dựng, nếu các hộ dân không tự hợp khối, đều phải thu hồi. Hầu hết địa phương chưa thực hiện đúng, có lẽ do chưa quan tâm đến đất ngoài chỉ giới. Cái khó hiện nay là các công trình có trước thời điểm có quy định thu hồi (năm 2005) nên cần phải rà soát, phân loại, lập phương án xử lý.

Lập phương án GPMB nhà siêu mỏng, siêu méo

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình yêu cầu các quận, huyện rà soát, thống kê, đánh giá tồn tại liên quan đến vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo, bao gồm cả công trình lẫn quỹ đất có diện tích không đủ điều kiện xây dựng. Sau khi rà soát, thống kê, UBND quận, huyện lên phương án GPMB các công trình, phần đất này, theo hướng phân loại công trình trước năm 2005 và sau năm 2005; có phương án vận động nhân dân đồng thuận, chấp hành chủ trương của TP và phương án xử lý sau GPMB.

Đối với những dự án đang triển khai, TP sẽ chỉ đạo chủ đầu tư rà soát, thu hồi luôn diện tích đất còn lại có diện tích nhỏ không đủ điều kiện xây dựng để ngăn chặn nhà siêu mỏng, siêu méo theo quy định. Tuy nhiên, trách nhiệm GPMB là của địa phương, vì vậy địa phương phải tham gia kiểm đếm, báo cáo TP nếu chủ đầu tư không thực hiện triệt để. Để làm cơ sở đôn đốc quận, huyện thực hiện, Sở Xây dựng Hà Nội xây dựng dự thảo văn bản chỉ đạo giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo trình UBND TP ban hành trước ngày 10-1-2011. Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội hoàn thành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc hai bên tuyến phố trước ngày 30-1-2011. "Đây là việc khó nhưng kiên quyết phải làm. Có quyết tâm, có chỉ đạo quyết liệt thì không có việc gì không làm được" - Phó Chủ tịch Phí Thái Bình nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo: Có thể thu hồi đất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.