(HNM) - Hài hòa lợi ích phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là vấn đề khó đối với nhiều địa phương, nhất là nơi có thế mạnh về chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể khí sinh học biogas xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) được xem như lời giải cho bài toán khó này.
Do có thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng và truyền thống sản xuất nên phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm, chủ yếu là bò sữa, lợn thịt, gà, đà điểu… trên địa bàn xã Tản Lĩnh liên tục phát triển. Nhờ đó, đời sống vật chất của người dân luôn được nâng cao. Tuy nhiên, mặt trái của việc phát triển kinh tế chăn nuôi là gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường.
Xây hầm sinh học biogas là giải pháp hữu hiệu xử lý chất thải chăn nuôi. |
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Tản Lĩnh Ngô Gia Huệ, chăn nuôi bò sữa thường cho thu nhập cao nhưng đây là vật nuôi xả thải ra môi trường nhiều nhất. Bình quân mỗi con bò trưởng thành, mỗi ngày tiêu thụ từ 40 đến 45kg thức ăn. Thời điểm giá sữa cao, số lượng đàn bò trên địa bàn xã đạt khoảng 600 con. Như vậy, mỗi ngày môi trường xã Tản Lĩnh chịu ảnh hưởng bởi lượng chất thải lớn từ hoạt động chăn nuôi. Để xử lý khối lượng chất thải này, trước đây người dân áp dụng phương pháp đào thùng chứa, ủ hoai mục, tận dụng làm phân bón cho các loại cây trồng. Do quy mô nông hộ nên khu vực xử lý chất thải cũng thường được bố trí ngay trong khu dân cư. Cách làm này đã khiến môi trường không khí ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mỗi khi mưa to, hố chứa phân bị ngập, chất thải tràn ra khu dân cư đe dọa chất lượng nguồn nước mặt, nước ngầm. Trong khi đó, xã Tản Lĩnh vẫn chưa có hệ thống cấp nước sạch tập trung, hằng ngày vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng khoan, giếng đào…
Trước tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng, xã đã phối hợp với các ngành, đoàn thể của huyện và thành phố tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, tập huấn cho nhân dân phương pháp quản lý chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường…
Là một trong những hộ đầu tiên của xã Tản Lĩnh áp dụng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể khí sinh học biogas, bà Nguyễn Thị Hiếu, ở thôn Đức Thịnh, cho biết: Khi chưa có hầm khí biogas, lượng phân, rác từ chăn nuôi thải ra hằng ngày làm cho không khí ngột ngạt. Để tăng đàn nuôi, phát triển kinh tế nhưng gia đình luôn lo ngại sứt mẻ tình làng nghĩa xóm vì môi trường. Vì vậy năm 2015, gia đình quyết định đầu tư hơn 30 triệu đồng xây bể biogas. Dù nuôi 36 con lợn, khu vực chăn nuôi của gia đình bà Hiếu rất ít mùi hôi. Hằng ngày bà Hiếu thường xuyên dùng vòi nước dọn vệ sinh trong chuồng. Phân lợn và nước thải theo đường ống dẫn ra bể biogas đặt cạnh chuồng lợn. Khí gas được hình thành từ sự phân hủy của phân lợn được dẫn vào hệ thống bếp để đun nấu.
Đến thăm nhiều hộ chăn nuôi lợn, bò sữa, đà điểu… trên địa bàn xã Tản Lĩnh, các hộ cho rằng: Bỏ ra cả chục triệu đồng để xây dựng bể khí sinh học đối với nhiều nông dân là số tiền lớn. Song lợi ích thì rất rõ ràng: Trước tiên, không còn tình trạng ô nhiễm từ chuồng trại chăn nuôi ảnh hưởng đến các hộ sinh sống liền kề. Thứ hai, sử dụng nguồn khí làm nhiên liệu đốt, tiết kiệm mỗi tháng hàng trăm nghìn đồng… Với những lợi ích đó, xã Tản Lĩnh có khoảng 50% số hộ chăn nuôi xây dựng bể khí sinh học để xử lý chất thải.
Mặc dù mô hình xử lý chất thải này được đánh giá hiệu quả nhiều mặt nhưng do chi phí cao nên còn một số hộ chăn nuôi chưa áp dụng, vẫn xả thải ra hệ thống thoát nước xung quanh… Từ thực tế trên, Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Bùi Văn Quân cho biết: Thời gian tới xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường cho người dân; đồng thời đề nghị các cấp, các ngành hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn kinh phí xây dựng bể sinh học xử lý chất thải chăn nuôi, sinh hoạt. Về lâu dài, các cấp, các ngành cần có chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn cho nhân dân di chuyển nơi sản xuất ra khỏi khu dân cư… Có như thế mới vừa thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm vừa bảo đảm vệ sinh môi trường…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.