(HNM) - Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến năm 2015 các tập đoàn, tổng công ty phải hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Việc bảo toàn nguồn vốn nhà nước tại các DN khi thực hiện thoái vốn khỏi những lĩnh vực không thuộc ngành nghề kinh doanh chính, đồng thời xử lý những khoản thua lỗ của DN là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay.
Tuy nhiên, theo khẳng định của Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), mặc dù nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, song không thể lấy lý do này để làm chậm lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
EVN Telecom là một sản phẩm đầu tư ngoài ngành của EVN đã phải sáp nhập vào Viettel sau khi thua lỗ nặng. Ảnh: Đức Anh |
Là một trong những lĩnh vực trọng yếu của đề án tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế, rà soát, sắp xếp lại hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty (DNNN) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, hiện đã có 7 DNNN trình Chính phủ đề án TCC. Khoảng 40 DN đang xin ý kiến đóng góp cho dự thảo, 15 DN đang xây dựng đề án. Ngay trong tháng 8, các DN phải trình phương án TCC lên Chính phủ. Ngoài 4 lĩnh vực kinh doanh là bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng và chứng khoán (nếu không phải là ngành kinh doanh chính, được giao), các DNNN sẽ phải thực hiện thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành. Việc thoái vốn phải bảo đảm mục tiêu bảo toàn nguồn vốn nhà nước tại DN và lộ trình thoái vốn phải được nêu rõ trong đề án TCC của DN trình Chính phủ.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, thị trường chứng khoán, bất động sản ảm đạm, nhiều ý kiến cho rằng, việc thoái vốn có nguy cơ làm "bốc hơi" hàng ngàn tỷ đồng nguồn vốn nhà nước tại DN. Tuy nhiên, theo ông Đặng Quyết Tiến, các DN không thể vin vào lý do "kinh tế khó khăn, thoái vốn sẽ không bảo toàn được vốn" để trì hoãn việc này. Để tháo gỡ vướng mắc cho DN, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp và xây dựng cơ chế thoái vốn trình Chính phủ. Cơ chế này hướng dẫn cụ thể lộ trình thoái vốn, qua đó tạo khuôn khổ pháp lý để các tập đoàn, tổng công ty có cơ sở thực hiện. Việc thoái vốn sẽ được thực hiện dưới nhiều hình thức như chuyển giao vốn cho Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cổ phần hóa, chuyển đổi sở hữu, mua bán nợ...
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, DNNN phải thoái vốn xong trước năm 2015 và không có ngoại lệ. Việc thực hiện nghiêm quyết định của Thủ tướng sẽ hạn chế tối đa nghịch lý đang diễn ra tại không ít DNNN là ngành nghề kinh doanh chính DN làm chưa tốt nhưng lại sử dụng vốn Nhà nước để đầu tư vào những lĩnh vực có nhiều rủi ro. Để giải quyết vướng mắc lớn nhất hiện nay là xử lý nợ tại những DN thua lỗ kéo dài, mất khả năng thanh toán, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, có nhiều cách để xử lý nợ, thậm chí sẽ sử dụng cả giải pháp "xóa sổ" DN quá yếu kém. Khi xóa sổ, Nhà nước sẽ có biện pháp hỗ trợ dưới nhiều hình thức nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, trước khi có sự can thiệp của Nhà nước, tại đề án TCC trình Chính phủ, mỗi DN phải báo cáo rõ về những khoản nợ xấu, không có khả năng thu hồi. DN phải đưa ra phương án điều chỉnh các dự án đầu tư để vốn vay trên vốn chủ sở hữu về mức an toàn. Sau khi các tập đoàn, tổng công ty rà soát xong, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp và đề xuất phương án xử lý trình Chính phủ.
Được biết, Bộ Tài chính đang xây dựng Đề án xử lý nợ của DN, trong đó củng cố vai trò của Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC). Để hỗ trợ DATC thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Bộ sẽ tham khảo, mời chuyên gia tại những nước có kinh nghiệm xử lý nợ nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Đây sẽ là một trong những bước chuẩn bị quan trọng nhằm thực hiện đề án TCC khối DNNN, tạo tiền đề thực hiện đề án TCC nền kinh tế theo đúng lộ trình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.