Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa nghèo tại xã Ba Vì: Nhiều "nút thắt' cần tháo gỡ

Hưng Thịnh| 23/02/2015 23:43

(HNMO)- Trong chuyến thăm và làm việc tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì vào tháng 10-2014, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chỉ đạo, trong khoảng 3 năm phải đưa xã Ba Vì thoát nghèo...

Thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/năm
Huyện Ba Vì có 7 xã miền núi. Các xã miền núi là nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng diện tích tự nhiên hơn 19.943ha (bằng 475 diện tích của toàn huyện); tổng dân số 69.170 người (chiếm 25,6% dân số toàn huyện), trong đó dân tộc Mường hơn 24.710 người (chiếm 35,7%), dân tộc Dao hơn 2.130 người (chiếm hơn 3% dân số miền núi). Theo quyết định của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2012-2015, huyện Ba Vì được công nhận các thôn đặc biệt khó khăn, các xã thuộc cùng dân tộc và miền núi, gồm: khu vực I có xã Tản Lĩnh; khu vực II có các xã Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài; khu vực III có xã Ba Vì; 16 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Trong đó, Ba Vì là một xã miền núi nghèo, đặc biệt khó khăn của huyện Ba Vì. Địa hình của xã đồi núi, đi lại khó khăn. Xưa kia nghề nghiệp chính của người Dao là phát nương làm rẫy. Từ năm 1961 đến năm 1963, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng bào Dao xuống núi thành lập làng bản. Năm 1993, Chính phủ có chủ trương mở rộng diện tích Vườn Quốc gia Ba Vì từ cost 100 trở lên. Do vậy, trong tổng số diện tích tự nhiên hơn 2.540ha chỉ còn lại 338,71ha thuộc phạm vi sử dụng của xã (chiếm tỷ lệ 1,7% diện tích các xã miền núi của huyện), trong đó đất ở 16,43ha; đất vườn 189ha (chủ yếu là đồi dốc, đá, khe suối) và các loại đất khác. Do đất canh tác ít, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế nên kinh tế của xã phát triển chậm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trò chuyện với đồng bào dân tộc Dao trong chuyến thăm và làm việc tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì (tháng 10-2014)


Xã có 3 thôn (Hợp Nhất, Hợp Sơn ở sườn tây núi Ba vì; thôn Yên Sơn ở sườn đông núi Ba Vì) cách nhau hơn 10 km, với tổng số 487 hộ dân, hơn 2.150 nhân khẩu (chiếm 3,1% số dân các xã miền núi và chiếm dân số toàn huyện), trong đó 98% dân số là đồng bào dân tộc Dao. Tổng số hộ nghèo chiếm tỷ lệ 37,73% và 107 hộ cận nghèo (chiếm 21,9%). Trong khi đó, tỷ lệ trung bình hộ nghèo các xã miền núi là 9,5% và của toàn huyện là 7,94%). Năm 2014, thu nhập bình quân đạt khoảng 8 triệu đồng/người/năm (thấp hơn thu nhập các xã miền núi 10,6 triệu đồng và thấp hơn bình quân toàn huyện 22 triệu đồng).

Do địa hình chủ yếu là đồi dốc, đá sỏi và khe suối nên diện tích dành cho trồng lúa của xã chỉ có 22,62ha (nhận bàn giao của xã Minh Quang và Ba Trại). Hiện nay, bình quân lương thực của xã đạt hơn 86kg/người/năm (trong khi bình quân lương thực các xã miền núi dao động 250-300kg/người/năm; bình quân toàn huyện 360kg/người/năm). Do đó, hàng năm, đồng bào tại xã Ba Vì không chủ động được lương thực. Trong khi, chăn nuôi trên địa bàn xã chủ yếu là chăn thả trâu, bò thịt tự do không ổn định và một số vật nuôi khác, như: dê, lợn, gà và ong mật.

Trước đây, đồng bào dân tộc Dao Ba Vì chủ yếu sinh sống du canh, du cư trên độ cao từ cost 400 đến cost 600. Do vậy, người Dao thường tự tìm lá cây, ngọn cỏ làm thuốc để tự chữa bệnh. Nhờ đó, cây thuốc, bài thuốc được người Dao Ba Vì gìn giữ, sưu tầm và phát triển để vừa chăm sóc sức khỏe cho gia đình và công đồng, vừa phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Các bài thuốc gia truyền (khớp, gan, dạ dày, thuốc tắm chữa bệnh…) của dân tộc Dao xã Ba Vì được nhiều người và nhiều nơi biết đến, nhờ đó mang lại thu nhập chiếm gần 50% tổng thu nhập của bà con.

Tuy nhiên, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, tự thu hái trên núi cao hoặc thu mua của các tỉnh phía Bắc. Sơ chế chủ yếu bằng hình thức phơi hoặc sấy khô. Năm 2007 đã thành lập HTX thuốc Nam. Nhưng, hiện nay, HTX hầu như không hoạt động; năm 2010, thành lập Hội Đông y xã Ba Vì; năm 2013, làng Yên Sơn được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống thuốc Nam dân tộc Dao Ba Vì. Hiện nay, thuốc Nam tiêu thụ chủ yếu là bán lẻ tại các khu du lịch, các hội chợ trong và ngoài huyện. Một số hộ bán thuốc kết hợp khám chữa bệnh tại nhà. Tuy nhiên chưa có trung tâm giới thiệu sản phẩm, trình diễn các bài thuốc quý.

Các bài thuốc gia truyền (khớp, gan, dạ dày, thuốc tắm chữa bệnh…) của dân tộc Dao xã Ba Vì được nhiều người và nhiều nơi biết đến


Bên cạnh đó, mặc dù cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cơ bản được quan tâm đầu tư, nhưng còn thiếu và xuống cấp, như; trạm biến áp có công suất thấp (100KVA) không bảo đảm đủ điện sản xuất và sinh hoạt; đường giao thông từ các xã miền núi đến xã Ba Vì còn nhỏ hẹp; hệ thống thủy lợi còn dựa vào thiên nhiên nên chưa chủ động được tưới tiêu; công trình nước sạch (thuộc chương trình 134 xây dựng từ năm 2007-2009) đã xuống cấp cần được đầu tư xây dựng và nâng cấp.

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy; kế hoạch 166/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô đến năm 2015: Tổng nhu cầu về vốn đầu tư cho các xã miền núi khoảng 1.200 tỷ đồng, trong đó xã Ba Vì có tổng số 14 dự án với tổng mức đầu tư hơn 178,4 tỷ đồng. Hiện nay, đã và đang thực hiện 16 dự án trên địa bàn miền núi, với số vốn được bố trí trên 233 tỷ đồng (đạt gần 20% kế hoạch), trong đó xã Ba Vì có 4 dự án được bố trí vốn 24,3 tỷ đồng, gồm; dự án trạm y tế 7,3 tỷ đồng; 3 dự án giao thông 17 tỷ đồng. Như vậy, số vốn đầu tư còn thiếu cho các dự án trên địa bàn xã Ba Vì hơn 163,1 tỷ đồng.

Đặt ra mục tiêu thoát nghèo
Mục tiêu mà huyện Ba Vì đề ra đối với xã Ba Vì: mỗi năm giảm nghèo 5% trở lên (10 hộ/năm) và không để tình trạng tái nghèo xảy ra; xóa nhà tạm 50% số hộ có nhà tạm/năm 2015 (15 nhà); nhà đại đoàn kết đã xuống cấp 10 hộ. Hoàn thành nội dung này vào năm 2016. Hoàn thành việc đầu tư hạ tầng theo kế hoạch của huyện và thành phố. Riêng năm 2015, hoàn thành 100% các dự án về giao thông, thủy lợi và nước sạch.

Phát triển mô hình sản xuất: Chăn nuôi (năm 2015 làm điểm 30 hộ ở 3 thôn); cải tạo vườn tạp phát triển cây thuốc Nam đối với 100% hộ đã đăng ký (tổng số 25 hộ); phát triển dịch vụ, du lịch (nhất là du lịch cộng đồng) gắn với việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Dao và phát triển của nghề thuốc Nam truyền thống.

Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa để sử dụng lao động tại chỗ; đồng thời bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất. Đào tạo nghề phù hợp, khuyến khích các nghề truyền thống cũng như nghề mới: đan lát, chổi chít,… tận dụng lực lượng lao động phổ thông trong xã phù hợp với tập quán sinh hoạt và tập quán sản xuất nhân dân, từng bước thay đổi thói quen và tập quán lạc hậu.

Điều quan trọng, thời gian tới cần tăng cường tuyên truyền, vận động để làm thay đổi căn bản thói quen, tập quán sản xuất và sinh hoạt. Đồng thời, giải thích, vận động đồng bào ổn định đời sống để phát triển kinh tế và giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, không để phát sinh các tệ nạn xã hội.

Tập trung tháo gỡ khó khăn
Như đã đề cập ở trên, hiện nay khó khăn lớn nhất mà xã Ba Vì gặp phải chính là thiếu đất sản xuất (bình quân diện tích trồng lúa chỉ đạt 50-70m2/người). Bên cạnh đó là khó khăn về vốn: hiện định mức cho vay một số chương trình còn thấp (vay giải quyết việc làm 20 triệu đồng/hộ); vay xuất khẩu lao động 30 triệu đồng/hộ; vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở 8 triệu đồng/hộ) nên hiệu quả không cao. Ngoài ra, lãi suất cho vay của một số chương trình còn cao so với điều kiện kinh tế, xã hội của xã, cụ thể: cho vay hộ nghèo theo chuẩn quốc gia (0,7% tháng); cho vay sản xuất vùng khó khăn (0,8% tháng). Trong khi đó, cho vay hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố sử dụng nguồn vốn trung ương với lãi suất tương ứng là 0,72% và 0,864% tháng…

Hiện nay, thuốc Nam của người Dao xã Ba Vì tiêu thụ chủ yếu là bán lẻ tại các khu du lịch, các hội chợ trong và ngoài huyện


Để tháo gỡ những khó khăn trên nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến, trước mắt, trong khi chưa hoàn thiện đề án phát triển kinh tế, xã hội bền vững cho xã dân tộc Dao Ba Vì, đề nghị thành phố có văn bản chỉ đạo, cho phép lập các dự án: dự án phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, hoặc chăn nuôi dê núi; dự án bảo tồn, khôi phục và sản xuất thuốc Nam, cải tạo vườn tạp để trồng chè, trồng cây dược liệu khác dưới cost 100 cho xã Ba Vì và vùng lân cận; dự án xây dựng mô hình nghề phụ đan lát… để tạo ngay việc làm và thu nhập cho đồng bào; dự án tập huấn kỹ thuật sản xuất, học hỏi kinh nghiệm ở một số địa phương có đặc điểm gần giống xã Ba Vì.

Bên cạnh đó,về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, theo ông Bạch Công Tiến, đề nghị thành phố ưu tiên bố trí vốn thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng cho các xã miền núi của huyện, trong đó riêng đối với xã Ba Vì, phấn đấu hoàn thành kế hoạch trong 2 năm 2015-2016.

Kiến nghị thành phố cho lập và thực hiện các dự án trọng điểm: Dự án giao thông vườn quốc gia Ba Vì – Ao Vua nối dài nhằm nối liền sườn đông và sườn tây núi Ba Vì qua các thôn của xã Ba Vì, từ đó rút ngắn khoảng cách giữa các thôn từ trên 10 km xuống còn 5 km; đồng thời, đấu nối giao thông giữa xã Ba Vì và các khu du lịch vường quốc gia, Ao Vua, Đền Thượng, Đền Bác… sườn đông và Đền Trung, Đền Hạ cùng các xã ở sườn tây tiếp nối đường 415 đi Hòa Bình, Phú Thọ.

Đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông nối đường tỉnh 414 với xã Ba Vì đoạn qua xã Ba Trại (1/2 các tuyến đường đã được bê tông nhưng còn nhỏ hẹp rất khó có thể đến thôn Yên Sơn- thôn dự kiến phát triển điểm về thuốc Nam và du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, xây dựng trung tâm dịch vụ tại thôn Yên Sơn để giới thiệu, trao đổi và trình diễn các hoạt động, các sản phẩm thuốc Nam gia truyền, kết hợp với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xóa nghèo tại xã Ba Vì: Nhiều "nút thắt' cần tháo gỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.