Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa lò gạch thủ công - Bao giờ đến hồi kết? (tiếp theo)

Chí Kiên - Hoài Thu| 26/05/2013 05:33

(HNM) - Chủ trương xóa lò gạch thủ công là phù hợp trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, khu vực nông thôn Hà Nội đang cần một lượng lớn vật liệu xây dựng để kiến thiết cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới...

Đất nông nghiệp bị lò gạch ở xã Sài Sơn cày xới.


Lò gạch "thân thiện"

Triển khai Kế hoạch số 130 của UBND TP Hà Nội, đến hết 2012 phải xóa xong 100% lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường, phần lớn các huyện như Thanh Oai, Mê Linh, Thường Tín, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Sóc Sơn… đã tích cực ra quân giải quyết dứt điểm lò gạch. Một số địa phương đã tập trung xử lý hàng trăm vỏ lò. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hà Ngọc Hồng cho rằng, quá trình chỉ đạo phá dỡ lò gạch ở Hà Nội như một "cuộc cách mạng". Từ chỗ toàn thành phố có 1.750 lò gạch thủ công, đến hết tháng 12-2012 đã xóa được 1.236 vỏ lò. Kết quả này cho thấy sự quyết tâm lớn của thành phố trong hai năm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số huyện vẫn chây ỳ hoặc không kiên quyết. Tính đến hết tháng 4-2013, thành phố vẫn còn gần 300 vỏ lò gạch thủ công ở các huyện Ba Vì (80 lò), Chương Mỹ (68 lò), Quốc Oai (87 lò), Đan Phượng (61 lò), Phúc Thọ (17 lò), Thạch Thất (5 lò). "Chỉ đạo của thành phố là quyết liệt, các huyện chưa xóa xong lò gạch thủ công là vi phạm. Việc này thành phố, Sở Xây dựng đã có các văn bản chỉ đạo, đốc thúc nhiều lần song vẫn chưa có chuyển biến. Trong khi các địa phương khác thực hiện tốt, không có lý do gì các huyện Phúc Thọ, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ba Vì nói là không thực hiện được". - Ông Hồng nói.

Trên thực tế, số lò gạch của các địa phương này so với các huyện Sóc Sơn, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mê Linh không nhiều. Theo ông Hồng, các địa phương phải giải quyết triệt để lò gạch thủ công thì mới tiến hành chuyển sang công nghệ mới là gạch nung thân thiện môi trường. Trước khi chưa tiến hành xóa lò gạch thủ công, thành phố Hà Nội có 1.750 vỏ lò, giải quyết việc làm cho khoảng 35 vạn lao động (trung bình mỗi lò gạch giải quyết việc làm cho 20 lao động). Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, nhu cầu vật liệu xây dựng của thành phố khoảng 2 tỷ viên gạch nung/năm; trong đó, gạch nung thủ công đáp ứng gần 50%. Như vậy, khi thành phố xóa lò gạch thủ công, có nghĩa là thiếu một nửa lượng gạch cho xây dựng. Giải bài toán này, trước mắt thành phố Hà Nội chỉ đạo các nhà máy gạch tuynel hoạt động tối đa công suất, đồng thời thực hiện chủ trương chuyển đổi từ sản xuất gạch thủ công sang áp dụng công nghệ có hệ thống xử lý khói lò, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Liên quan đến việc thí điểm lò gạch thân thiện với môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị là hạn chế tối thiểu. Song trong quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng giai đoạn 2011-2016, phải có khoảng "đệm" để giải quyết việc thiếu hụt 50% nhu cầu gạch xây dựng, thành phố cho phép thí điểm lò gạch cải tiến thân thiện với môi trường. Dù vậy, đây chỉ là giải pháp tình thế, về sau các lò gạch này cũng phải chuyển đổi. Hiện công nghệ mới được thí điểm tại huyện Ba Vì và Phúc Thọ (17 cặp lò), đã đạt các chỉ tiêu khí thải CO, NO2, SO2, HF, bảo đảm theo Quy chuẩn QCVN 19:2009. Từ kết quả thí điểm này, các huyện đã đề nghị UBND thành phố cho phép áp dụng công nghệ với số lượng cụ thể: Sóc Sơn 33 lò, Đan Phượng 6 lò, Mỹ Đức 10 lò, Quốc Oai 12 lò, Phúc Thọ 20 lò, Chương Mỹ 21 lò, Ứng Hòa 12 lò, Ba Vì 6 lò. Theo đánh giá kết quả của Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên môi trường, công nghệ lò gạch này có được cơ giới hóa từ khâu tạo hình đến khâu ra lò, bảo đảm điều kiện làm việc tốt cho người lao động; mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu giảm so với sản xuất gạch thủ công; chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn; mức đầu tư phù hợp với các cơ sở sản xuất nhỏ khu vực nông thôn. Cũng theo chỉ đạo của Sở Xây dựng, việc chuyển đổi chỉ cho phép áp dụng đối với các khu vực xa nguồn cung vật liệu xây từ các nơi khác đến, đáp ứng được một phần nhu cầu về vật liệu trong chương trình xây dựng nông thôn mới đang triển khai trên địa bàn thành phố. Chủ trương này nếu được triển khai sẽ góp phần giảm được sự mất cân đối cung cầu về vật liệu xây trước khi chuyển sang giai đoạn phát triển vật liệu không nung; bảo đảm việc làm cho một bộ phận lao động nông thôn trong giai đoạn chuyển tiếp.

Gạch không nung - hãy đợi đấy!

Thông tư số 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng đã quy định về việc sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước theo quy định; tại các đô thị loại 3 trở lên, phải sử dụng 100% vật liệu không nung từ năm 2013; các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên, không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015, phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015, phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây. Vì vậy, phần lớn gạch nung, gạch tuynel sẽ không còn phù hợp với các công trình xây dựng trong thời gian tới. Hơn nữa, Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 4524/QĐ-UBND ngày 29-9-2011 đã xác định rõ: Không đầu tư mới sản xuất gạch nung vào giai đoạn 2016-2020. Vậy thời gian tới, mấu chốt của bài toán gạch xây vẫn phải là tập trung sản xuất gạch không nung. Thế nhưng, đến thời điểm này ở Hà Nội lại hầu như chưa có gạch không nung sản xuất quy mô lớn, mới chỉ có một số điểm nhỏ lẻ, công suất nhỏ như: Công ty Toàn Cầu (Chương Mỹ) với sản lượng khoảng 50 triệu viên/năm hoặc một số cơ sở thử nghiệm tại thị xã Sơn Tây, huyện Từ Liêm. Ngoài ra, có một số cơ sở quy mô hộ gia đình ở nông thôn làm gạch bê tông đá mạt, xi măng cốt liệu thay thế được gạch đặc trong xây dựng cống rãnh, kênh mương. Như vậy, về lâu dài, nhu cầu gạch xây của Hà Nội vẫn là một vấn đề nan giải, vẫn chưa có lời giải tốt nhất. Hiện UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng triển khai đề tài về phát triển vật liệu không nung trên địa bàn thành phố Hà Nội. "Trước đây, Sở Xây dựng triển khai chương trình phát triển vật liệu không nung. Khi trình, thành phố yêu cầu chuyển thành đề tài. Hiện Đề tài này đang trong quá trình triển khai thực hiện. Việc thay thế sử dụng gạch không nung đã có nhiều cuộc họp phổ biến thực hiện, các văn bản đã gửi các địa phương và thường xuyên tuyên truyền nhưng việc thực hiện vẫn chưa được các địa phương quan tâm". - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Ngọc Hồng cho biết.

Thực tế cho thấy, UBND TP Hà Nội cần sớm xem xét cho các địa phương triển khai xây dựng lò gạch áp dụng công nghệ tiên tiến về xử lý khói để bù đắp nguồn cung thiếu hụt. Liên quan đến việc sử dụng loại vật liệu xây dựng thay thế gạch nung, đây là vấn đề nan giải, cần quá trình thay đổi suy nghĩ của người sử dụng, không thể một sớm một chiều có thể phát huy được. Ngoài ra, UBND TP Hà Nội nên có những chính sách hỗ trợ về tài chính, ưu đãi mặt bằng... tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung, giảm chi phí đầu vào, từ đó có sản phẩm giá cả hợp lý trên thị trường. Có như vậy, người dân mới chuyển dần sang sử dụng gạch không nung. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xóa lò gạch thủ công - Bao giờ đến hồi kết? (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.