Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa lò gạch nung: Lời giải nào cho "bài toán" khó?

Kim Nhuệ| 03/11/2016 07:17

(HNM) - Theo lộ trình, chỉ còn 2 tháng nữa, các đơn vị sản xuất gạch thủ công, gạch nung bằng công nghệ cải tiến phải dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Việc dừng sản xuất đang làm cơ quan quản lý và chính quyền địa phương


Phản ánh từ thực tế...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP Hà Nội đã xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch thủ công. Hiện nay, các lò hoạt động đều áp dụng công nghệ xử lý khói thải giảm ô nhiễm môi trường. Toàn thành phố có 116 lò gạch cải tiến các loại, tổng công suất thiết kế khoảng 350 triệu viên/năm; 59 lò vòng, công suất 500 triệu viên; 34 nhà máy gạch tuynel, công suất 680 triệu viên. Ngoài ra, có 9 cơ sở sản xuất gạch không nung quy mô công nghiệp, tổng công suất khoảng 145 triệu viên/năm.

Các loại lò vòng, lò cải tiến được xây dựng chủ yếu trên địa bàn đồi gò, đất bãi, xa khu dân cư… thuộc các huyện Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì… Nguyên liệu sử dụng phần lớn là đất hạ cốt ruộng sau dồn điền đổi thửa trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đất đào ao, hồ, công trình thủy lợi, đất đào móng từ các công trình xây dựng… Nhiên liệu sử dụng chủ yếu là xỉ than phế thải của các nhà máy nhiệt điện. Hiện các chủ lò đang sử dụng khoảng 20.000 lao động nông thôn, thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/ người/tháng…

Thực hiện chỉ đạo của TP Hà Nội về lộ trình ngừng sản xuất gạch nung bằng tất cả các loại lò cải tiến vào cuối năm 2016, các huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Quốc Oai… đang tuyên truyền, đôn đốc các chủ lò gạch triển khai kế hoạch. Song, nhiều ý kiến của chính quyền địa phương và chủ lò gạch tỏ ra băn khoăn và đề xuất xin gia hạn thời gian xóa bỏ lò gạch nung. Ông Trần Hải Châu - Tổ trưởng tổ sản xuất gạch xã Võng Xuyên (Phúc Thọ) cho biết, thực hiện chủ trương của thành phố, năm 2013, 9 chủ lò đã phá dỡ toàn bộ 32 vỏ lò thủ công; đồng thời vay ngân hàng đầu tư xây dựng 14 lò nung áp dụng công nghệ xử lý khí thải giảm ô nhiễm môi trường.

Đầu năm 2014, các lò này hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho 500 lao động và 200 lao động thời vụ là người địa phương với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/tháng. Theo ông Trần Hải Châu, nếu năm nay phải ngừng hoạt động, các chủ lò sẽ vỡ nợ ngân hàng. “Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành xem xét, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất gạch áp dụng công nghệ xử lý khí thải hạn chế ô nhiễm môi trường được tiếp tục hoạt động, ít nhất là đến năm 2018” - ông Trần Hải Châu đề nghị.

Không chỉ chủ lò lo ngại, nhiều lao động ở các lò gạch này cũng rất quan tâm thời hạn xóa bỏ lò gạch nung. Bà Nguyễn Thị Yến ở thôn Thư Trai, xã Phúc Hòa (Phúc Thọ) hiện đang làm cho cơ sở sản xuất gạch của ông Đoàn Văn Lâm ở xã Võng Xuyên cho biết: Nhờ có nghề làm gạch nên gia đình tôi thoát nghèo… Nếu xóa bỏ lò gạch này, chúng tôi cũng chưa biết làm công việc gì khác phù hợp trình độ và mức thu nhập hiện có…

Đề xuất điều chỉnh lộ trình

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Đỗ Lai Luật, nhu cầu sử dụng gạch nung của người dân lớn, trong khi vật liệu xây dựng không nung trên địa bàn huyện sản lượng còn hạn chế. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất gạch nung mới đầu tư xây dựng từ sau năm 2013, giá trị mỗi lò ít nhất hơn 2 tỷ đồng nên chưa kịp thu hồi vốn. Nếu phải chấm dứt hoạt động ngay sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chủ cơ sở sản xuất, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hơn 1.000 lao động địa phương… Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Việt Liên cho biết thêm: Hiện nay, trên địa bàn huyện chưa có nhà máy sản xuất gạch không nung phục vụ nhu cầu vật liệu xây dựng của nhân dân địa phương.

Bên cạnh đó, Phúc Thọ là huyện thuần nông, sản xuất công nghiệp quy mô lớn hầu như chưa có. Việc làm và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; trình độ lao động chủ yếu là phổ thông… do đó để chuyển đổi nghề cho người dân làm gạch sang nghề khác, bảo đảm thu nhập ổn định phải cần thời gian. Theo ông Nguyễn Việt Liên, giai đoạn 2016-2020, nhu cầu vật liệu xây dựng cho nhân dân và đặc biệt để phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới thì việc sử dụng các nguồn vật liệu xây từ nơi khác chuyển về sẽ làm giá thành xây dựng tăng cao, do cự ly vận chuyển xa, cước phí lớn… Vì vậy, trong giai đoạn đến năm 2020, huyện Phúc Thọ vẫn phải sử dụng nguồn cung vật liệu xây tại chỗ từ các cơ sở sản xuất hiện nay để đáp ứng nhu cầu xây dựng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải cho biết: Huyện sẽ nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố và các cấp, ngành chức năng. Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương, huyện đề nghị các cấp, các ngành của thành phố và trung ương quan tâm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, nhu cầu giải quyết việc làm khu vực nông thôn, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trong xây dựng nông thôn mới cũng như việc giảm ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khỏe nhân dân…

Trước những nhu cầu của địa phương, đặc biệt qua kiến nghị xin gia hạn tồn tại các lò gạch hiện có của UBND huyện Phúc Thọ và Công ty cổ phần Sản xuất gạch Đức Hòa, ngày 27-10, UBND thành phố đã có Văn bản số 6199/UBND-ĐT yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội và các quận, huyện, đơn vị liên quan báo cáo tình hình hoạt động chung của các lò gạch thủ công, lò gạch nung theo công nghệ không khói trên địa bàn Hà Nội. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết đã có văn bản gửi các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát các lò gạch đang hoạt động trên địa bàn thống kê nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng và đề xuất lộ trình hoạt động của các loại lò gạch cải tiến, lò vòng. Thông qua đó, Sở Xây dựng sẽ tổng hợp, đề xuất các cấp, các ngành lộ trình xử lý. Thời gian dự kiến báo cáo thành phố trong ngày 5-11.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xóa lò gạch nung: Lời giải nào cho "bài toán" khó?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.