(HNMO) - Cậu bé Fareed Shawky mới 9 tuổi thốt lên trong nước mắt
Fareed chỉ là một đứa bé nhưng kể từ khi đất nước của em rơi vào chiến tranh, đầu óc non nớt đó đã nhận thức được một sự thực cay đắng từ kết quả của những cuộc xung đột: Người chết thì phải chôn.
Khi nghe Fareed nói: "Xin đừng chôn cháu" , một nhân viên y tế đã cười và vỗ nhẹ vào đôi chân nhỏ của đứa trẻ để an ủi.
Vài ngày sau đó, Fareed đã ra đi vì vết thương trên đầu. Cậu bé được chôn cất vội vã tại nghĩa trang của gia đình.
Những khoảnh khắc về Fareed đã được nhiếp ảnh gia địa phương Ahmed Basha ghi lại. "Tôi chỉ nghĩ rằng cậu bé bị thương và còn không chắc rằng khoảnh khắc cậu bé van nài trong nước mắt đã được ghi lại. Lúc đó, tôi chỉ tập trung vào những bức ảnh của mình", ông chia sẻ.
Khi Basha quyết định kể chuyện về cái chết của cậu bé đáng thương, ông bắt đầu công việc chọn lọc những đoạn phim trong máy của mình. Cuối cùng, ông cũng xuất bản đoạn phim về cậu bé xin được sống và kể câu chuyện của mình cho cả thế giới.
Câu chuyện đã nhanh chóng được lan truyền bởi các phương tiện truyền thông trong khi rất ít những câu chuyện liên quan đến cuộc chiến tại Yemen có thể gây chú ý đến vậy.
Cái chết của Fareed bé nhỏ như là một hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta về cuộc chiến tranh tại Yemen- cuộc chiến đang bị cả thế giới quên lãng.
Thảm họa từ con người
Trước khi đi đến câu chuyện của Fareed, chúng ta cần có một cái nhìn chung về cuộc chiến đang xảy ra tại Yemen.
Ở đây đang diễn ra một cuộc chạy đua quyền lực gay gắt giữa hai phe phái: lực lượng nổi dậy của phiến quân Shiite Houthi và những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Abdu Rabu Mansour Hadi.
Cuộc xung đột trở nên phức tạp hơn khi phong trào ly khai tại miền nam nước này có sự xuất hiện dày đặc của nhóm khủng bố al Qaeda và các phiến quân nhà nước Hồi giáo tự xưng ISIS liên tục hoành hành.
Trận chiến cũng dẫn đến sự hình thành liên quân các nước Ả-rập do Ả-rập Xê-út đứng đầu với mục đích chống lưng cho Tổng thống Hadi trên trường quốc tế.
Ả-rập Xê-út cùng các đồng minh người Sunni coi Houthis là phiến quân được ủy nhiệm bởi nhà nước Shiite của Iran và lo sợ việc tiểu bang Shiite sẽ chiếm ưu thế hơn trong khu vực. Tuy nhiên, phía Houthis từ chối nhận bất kỳ sự hỗ trợ nguyên vật liệu trực tiếp nào từ Iran.
Các cuộc không kích, các trận chiến cùng những vụ thảm sát đẫm máu nổ ra đã gây thiệt hại nặng nề cho đất nước này. Liên hợp quốc đã nhiều lần nỗ lực giải quyết tình hình mà không có kết quả. Theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc, những gì họ gọi là "thảm họa từ con người" đã khiến hơn 27 ngàn người thương vong và 80% dân số cần được hỗ trợ nhân đạo.
Cũng theo số liệu của OCHA, cứ 5 người Yemen thì có 4 người đang sống mà thiếu những điều kiện cơ bản nhất như nước, thực phẩm, nơi ở và chăm sóc y tế.
Câu chuyện về cậu bé Fareed được lan rộng
Tuy sống trong đau khổ nhưng người Yemen đều không muốn từ bỏ. Câu chuyện của cậu bé Fareed đã trở thành một biểu tượng cho sự đấu tranh và tính kiên cường. Các nhà hoạt động đã sử dụng cụm từ được bôi đen #dontburryme (Xin đừng chôn cháu) để kêu gọi chấm dứt chiến tranh đẫm máu. Fareed được gọi là "Aylan Kurdi của Yemen" - thi thể của cậu bé Aylan Kurdi 3 tuổi đã được tìm thấy trong tư thế nằm sấp trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 9 vừa qua.
Nhà hoạt động người Yemen, Hishal al-Omeisy đã đăng tải trên mạng xã hội Twitter như một lời kêu gọi sự giúp đỡ: "Fareed đã phải chứng kiến thi thể của những đứa trẻ hàng xóm bị chôn vùi do phiến quân Houthis sát hại và bị tổn thương tinh thần nghiêm trọng. Vì vậy #Xin đừng chôn vùi cháu # Yemen"
Dòng chữ in đậm sau dấu # ban đầu được viết bằng tiếng Ả Rập, tuy nhiên sau khi câu chuyện được lan truyền, ngày càng nhiều người đã đăng tải lên mạng xã hội bằng dòng chữ in đậm phiên bản tiếng Anh #DontBurryme.
Không chốn an toàn
Quay trở lại với tình hình căng thẳng tại Yemen. Ả-rập Xê-út tuyên bố rằng sẽ triển khai một liên minh để bài trừ phiến quân Houthis khỏi các nước láng giềng ở phía nam. Theo đó, chiến dịch được triển khai từ trên không chắc chắn sẽ tàn phá đất nước nghèo và kém phát triển nhất vùng Trung Đông.
Phong trào của phiến quân Houthis hình thành từ năm 1994 với mục đích chính trị rõ ràng nhằm tăng cường quyền tự trị và bảo vệ truyền thống tôn giáo của mình với tư cách là những thành viên nhánh Zaidi thuộc dòng Hồi Giáo Shiite. Nhóm này đã đấu tranh với chính quyền trung ương trong hơn một thập kỷ.
Tổng thống Hadi và Thủ tướng Khaled Bahah đã từ chức vào tháng 1 năm nay dưới sức ép của phiến quân Houthis, chỉ vài tháng sau khi phiến quân này tiến quân vào thủ đô Sanaa của Yemen và yêu cầu nâng cao tầm ảnh hưởng chính trị của mình.
Hơn 6 tháng kể từ khi liên quân các nước vùng Vịnh do Ả-rập Xê-út dẫn đầu, tiến hành các cuộc tấn công nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như ý muốn. Thay vào đó, chiến tranh đang tàn phá cuộc sống của cư dân Yemen.
Báo cáo của Liên hợp quốc: Nơi đầy nguy hiểm và bạo lực cho người dân
Theo báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), trẻ em và nền giáo dục là hai nhóm chịu tổn thương đầu tiên của cuộc chiến tranh. Cả hai bên tham chiến đều thể hiện sự coi thường trắng trợn đối với cuộc sống của người dân.
Đối với những trẻ em được sinh ra và lớn lên tại Yemen, dường như cuộc đời chúng không có nơi trú ẩn an toàn.
Theo như số liệu của Liên hợp quốc, 95% nạn nhân bị giết hoặc bị thương bởi các vũ khí gây nổ tại các thành phố và thị trấn là dân thường. UNICEF thống kê trong số đó có 500 trẻ em đã thiệt mạng.
Robert Perkins, người thực hiện các báo cáo trên chia sẻ rằng: "Những nghiên cứu của chúng tôi cho thấy Yemen là một đất nước tồi tệ nhất thế giới. Người dân nơi đây bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng nổ bạo lực ở khắp nơi, điều này còn kinh khủng hơn cả những con người phải hứng chịu khủng hoảng di cư tại Syria và Iraq".
"Đất nước với số dân dễ bị tổn thương nay đang phải đối mặt với sự tàn phá nặng nề của bom đạn. Họ mất đi nhà cửa, gia đình bị chia rẽ. Phải mất rất nhiều năm để Yemen có thể phục hồi từ đống đổ nát trong vài tháng trở lại đây".
Cái chết của Fareed như một hồi chuông cảnh tỉnh cho sự giao tranh vô lương tâm của các phe phái. Gia đình cậu bé cho rằng phiến quân Houthis đã khiến con họ bị thương. Fareed đang chơi ngoài thềm nhà thì bị trúng tên lửa tấn công, bốn đứa trẻ khác cũng bị thương nghiêm trọng.
Nhiếp ảnh gia Basha đã chia sẻ với CNN rằng: "Gia đình của Fareed rất cảm kích khi câu chuyện về cậu bé được lan truyền khắp thế giới và hy vọng nó sẽ góp phần giúp cho những người dân sống tại Yemen không còn phải hứng chịu những hệ quả bi thương từ chiến tranh nữa".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.